Thanh tra dự án của Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn: Phát hiện dấu hiệu giả mạo hồ sơ

(BĐT) - Qua thanh tra một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng (gọi tắt là Công ty Thái Sơn), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện nhiều dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu.
Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng trái quy định một số gói thầu tại Dự án BOT Xây dựng cầu Việt Trì mới cho doanh nghiệp khác để hưởng lợi. Ảnh: Thái Sơn
Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng trái quy định một số gói thầu tại Dự án BOT Xây dựng cầu Việt Trì mới cho doanh nghiệp khác để hưởng lợi. Ảnh: Thái Sơn

Nhiều dấu hiệu giả mạo hồ sơ

Kết quả kiểm tra hồ sơ, tài liệu của Công ty Thái Sơn cho thấy, hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 đến năm 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hàng năm với các cơ quan thuế đều không được kiểm toán.

Qua kiểm tra, xác minh các hồ sơ như: hồ sơ xin vay vốn của Công ty Thái Sơn tại các chi nhánh của Ngân hàng BIDV (Thành Đô, Bà Chiểu…); hồ sơ tham gia liên danh nhà đầu tư các dự án BOT, BT (cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20 đoạn Km123 - Km268) và hồ sơ dự thầu (HSDT) một số gói thầu xây lắp cho thấy, các báo cáo tài chính có đóng dấu, ký xác nhận của một số công ty kiểm toán như: Công ty TNHH Kiểm toán FAC, Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán VNASC, Công ty TNHH Kiểm toán SG-VN… Tuy nhiên, qua xác minh, một số nhà kiểm toán xác nhận không thực hiện kiểm toán các hồ sơ nêu trên.

TTCP cho biết, số liệu tại các báo cáo tài chính được cho là đã kiểm toán để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn có đủ năng lực, nhưng so với báo cáo đề nghị quyết toán thuế hàng năm có nhiều sai khác, không đúng thực tế. Theo báo cáo tài chính để kê khai quyết toán thuế, tình hình tài chính của Công ty Thái Sơn rất yếu kém. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu theo sổ sách kế toán của Công ty Thái Sơn trong giai đoạn 2009 - 2017 đều âm, thể hiện sự thua lỗ (ngoại trừ năm 2014 đạt 0,2%). Cá biệt, năm 2011, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Sơn âm tới 183%.

TTCP kết luận, có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án tại Công ty Thái Sơn. 

Không đủ năng lực vẫn trúng thầu

Công ty Thái Sơn được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 19/9/2009, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp với vốn điều lệ khởi điểm là 20 tỷ đồng. Đến năm 2013, Công ty thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng.
TTCP cho biết, theo tài liệu Công ty Thái Sơn cung cấp, chỉ có danh sách tài sản cố định, không có hồ sơ, lý lịch đầy đủ về tài sản; không thực hiện kiểm kê tài sản hàng năm theo quy định. Thực tế, tài sản cố định đủ hồ sơ chứng minh đến thời điểm năm 2017 của Công ty Thái Sơn có tổng giá trị theo nguyên giá khoảng 120 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là 1 bồn chứa dầu và khoảng 10 - 40 xe ô tô du lịch từ 4 - 7 chỗ ngồi, không có máy móc, thiết bị phục vụ thi công, xây lắp các công trình được giao thầu.

Theo sổ sách, kế toán tiền lương từ khi thành lập (tháng 9/2009) đến tháng 12/2014, Công ty Thái Sơn có rất ít nhân công, chủ yếu chỉ có nhân viên phòng hành chính, lái xe, kế toán, thủ quỹ và rất ít cán bộ kỹ thuật xây dựng (chỉ có 1 người vào các năm 2009, 2010, 2011, 2013 và 2014; năm 2012 không có người, đến tháng 12/2014 mới có 4 người thuộc Phòng Dự án).

Kết luận thanh tra của TTCP cũng cho biết, theo hồ sơ tham gia dự thầu các dự án với vai trò là thành viên liên danh và nhà thầu xây lắp, Công ty Thái Sơn có kê khai về kinh nghiệm đã tham gia một số dự án với vai trò là nhà thầu, nhưng thực tế chỉ đứng tên, chưa trực tiếp thực hiện gói thầu, dự án nào tương tự như hồ sơ yêu cầu hay hồ sơ mời thầu. Vì vậy, sau khi được lựa chọn trúng thầu, Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng lại gói thầu cho các đơn vị khác thực hiện. Có thể kể đến một số gói thầu tại các dự án BOT và BT (cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20 đoạn Km123 - Km268) hay các gói thầu xây lắp tại Sân bay Pleiku, Sân bay Cam Ranh, tại Quảng Ninh, Long An, Hà Nội…

Từ kết quả thanh tra, TTCP khẳng định, thực chất Công ty Thái Sơn không có đủ năng lực về máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, gói thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định thầu nhà đầu tư, chỉ định thầu nhiều gói thầu thi công xây lắp, dự án có giá trị lớn. Sau khi được lựa chọn, Công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi.

Chuyên đề