Tham nhũng vặt còn tràn lan

(BĐT) - Lý giải thực trạng phòng, chống tham nhũng (PCTN) đang có những bước lùi,  nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân là do Luật PCTN còn mang tính hình thức, quy định chung chung và chưa có chế tài bảo vệ người tố cáo, chống tham nhũng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Khoảng trống trong phòng, chống tham nhũng

Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN, ông Đỗ Quốc Văn, chuyên gia nghiên cứu độc lập về PCTN cho biết, việc công khai, dân chủ còn nhiều hạn chế; hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu khá phổ biến, nhất là tại cấp cơ sở. Tham nhũng vặt diễn ra tràn lan, phổ biến; công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn hạn chế. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và đa số là đối tượng trực tiếp thực hiện…

Nguyên nhân của thực trạng này, theo nhiều chuyên gia, đó là do Luật PCTN hiện hành đã thực sự lỗi thời, chưa tương thích với sự thay đổi, điều chỉnh của các quy định pháp luật liên quan như Bộ luật Hình sự năm 2015, các đạo luật và văn bản pháp luật chuyên ngành, trong đó có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung.

Nguyên nhân thứ hai là do những bất cập trong nội tại của Luật PCTN. Theo ông Văn, những khái niệm tham nhũng và sự tiếp cận PCTN trong Luật PCTN còn  mang tính tuyên ngôn về nguyên tắc, thiếu tính cụ thể nên thực tế khó áp dụng, triển khai. Các quy định về công khai, minh bạch còn chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian thực hiện công khai, minh bạch.

Chẳng hạn như chế định về trách nhiệm giải trình với nội dung còn hạn hẹp, chưa gắn liền với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu đối với những vấn đề phát sinh trong quản lý nhà nước; thiếu cơ chế và các hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về giải trình; trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình chưa gắn liền với việc thực hiện các biện pháp PCTN. Quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng còn thiếu rõ ràng, chưa thực chất. “Nhìn chung, nhiều quy định là không thực hiện được”, ông Văn nhận xét.

Cần cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Để huy động được sự tham gia đông đảo, tích cực của nhân dân và sức mạnh của toàn xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng, cần xác định và thành lập đơn vị PCTN độc lập. Đơn vị này có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, chống tham nhũng
Bà Đào Nga, Giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch tại Việt Nam cho rằng, người dân, doanh nghiệp và báo chí là những trụ cột trong PCTN. Tuy nhiên, đa số các quy định hiện nay về vai trò của các đối tượng này trong pháp luật về PCTN lại chỉ mang tính nguyên tắc, chủ yếu tập trung vào việc xác định trách nhiệm của các chủ thể xã hội, mà chưa quy định quyền và điều kiện tương xứng để đảm bảo các chủ thể đó có thể thực hiện hiệu quả vai trò của mình. Đặc biệt, Luật PCTN chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

“Đây chính là nguyên nhân khiến người dân, doanh nghiệp cũng như báo chí e ngại, hoặc không dám tiết lộ thông tin liên quan đến tham nhũng. Theo kết quả khảo sát năm 2013, chỉ có khoảng 38% người dân Việt Nam sẵn sàng tố cáo tham nhũng, thấp nhất trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á” - bà Nga cho biết.

Thông tin thêm về vấn đề này, đại diện một cơ quan thuộc Liên hợp quốc chia sẻ, trên thế giới, 25% các vụ việc tham nhũng được phát hiện là do người dân tố cáo. Tuy nhiên, ở Việt Nam có tới 51% người dân được hỏi lại cho rằng tố cáo cũng “chẳng thay đổi được gì” và 28% người dân không dám tố cáo vì “sợ phải gánh chịu hậu quả”.

Theo các chuyên gia, tham nhũng như một “bệnh dịch”, có khả năng lan truyền rất lớn. Muốn trị bệnh phải có môi trường tốt, dân chủ, có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Chỉ khi có một nền dân chủ pháp quyền thì mới có đầy đủ “tai mắt” để PCTN.

Để huy động được sự tham gia đông đảo, tích cực của nhân dân và sức mạnh của toàn xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng, bà Nga đề xuất, cần xác định và thành lập đơn vị PCTN độc lập. Đơn vị này có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, chống tham nhũng.         

Chuyên đề