Tạo thuận lợi cho các công ty kiểm toán

(BĐT) - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý. Theo đó, Bộ này đề xuất đơn giản hóa một số điều kiện, thủ tục trong kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, kiểm toán độc lập.
Nhiều điều kiện kinh doanh áp dụng cho các doanh nghiệp kiểm toán sẽ được gỡ bỏ. Ảnh: Ricky Châu
Nhiều điều kiện kinh doanh áp dụng cho các doanh nghiệp kiểm toán sẽ được gỡ bỏ. Ảnh: Ricky Châu

Xóa bỏ nhiều điều kiện chấp thuận kiểm toán

Theo Nghị định số 84/2016/NĐ-CP, để được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng, tổ chức kiểm toán phải phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm cho tối thiểu 200 đơn vị được kiểm toán tính từ ngày 1/10 năm trước đến ngày 30/9 năm nộp hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, Dự thảo này nới lỏng điều kiện về kỳ báo cáo kiểm toán của báo cáo tài chính đơn vị được kiểm toán. Theo đó, để được chấp thuận kiểm toán, các đơn vị chỉ cần nộp báo cáo tài chính đủ 200 đơn vị được kiểm toán mà không nhất thiết phải là báo cáo năm.

Đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán, Nghị định 84 yêu cầu đơn vị phải có thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu là 36 tháng tính từ ngày được cơ quan có thẩm quyền xác nhận danh sách đăng ký hành nghề kiểm toán lần đầu hoặc từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán lần đầu đến ngày nộp hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán. Trong Dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất giảm thời gian hoạt động xuống còn 24 tháng, mở ra cơ hội cho các đơn vị kiểm toán non trẻ. Bên cạnh đó, theo Nghị định 84, tổ chức kiểm toán phải phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính năm cho tối thiểu 250 đơn vị được kiểm toán tính từ ngày 1/10 năm trước đến ngày 30/9 năm nộp hồ sơ đăng ký, trong Dự thảo lần này Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định định kỳ báo cáo năm. 

“Giấy phép con” rườm rà sẽ được bãi bỏ?

Trong Dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 17/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập.
Nghị định 84 quy định, điều kiện đối với tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng phải có đủ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán được Bộ Tài chính cấp còn hiệu lực; có hệ thống kiểm soát chất lượng được xây dựng phù hợp với quy định của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam; đã thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính; không thuộc các trường hợp không được xem xét, chấp thuận theo quy định tại Điều 7 Nghị định này; nộp đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán theo quy định tại các Điều 9 và 10 Nghị định này. Đây là những điều kiện cần và đủ nhưng khó thực hiện đối với đơn vị kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán nước ngoài, để giành được tấm “giấy thông hành” hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán tại Việt Nam.

Trong Dự thảo lần này, Bộ Tài chính bãi bỏ những điều kiện này nhằm tạo sự đa dạng, minh bạch trong kiểm toán tại đơn vị có lợi ích công chúng cũng như đối với lĩnh vực chứng khoán.

Dự thảo bãi bỏ nhiều quy định trong việc lập hồ sơ đăng ký thực hiện kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Nếu nội dung Dự thảo lần này có hiệu lực thì các đơn vị kiểm toán không cần báo cáo tình hình tài chính và tình hình hoạt động của tổ chức kiểm toán trong năm trước liền kề bao gồm: bản mô tả về việc xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng theo quy định của chuẩn mực kiểm toán; bản sao chứng thực hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đang còn hiệu lực trong trường hợp tổ chức kiểm toán không trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp.

Mở rộng cửa cho kiểm toán nước ngoài

Trong Dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi, bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 17/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập. Theo đó, đối với thành viên là tổ chức của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chỉ cần cử một người làm đại diện cho tổ chức vào Hội đồng thành viên, không yêu cầu đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp kiểm toán mà tổ chức tham gia góp vốn.

Về điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới đối với doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ nhiều quy định như: có văn bản của cơ quan quản lý hành nghề kiểm toán nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cho phép cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam và xác nhận không vi phạm các quy định về hoạt động kiểm toán độc lập và quy định pháp luật khác của nước ngoài trong vòng 3 năm liền kề năm đề nghị cấp giấy chứng nhận được cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới; có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo và các nghĩa vụ khác quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Chuyên đề