Tăng hiệu quả phòng ngừa tai nạn lao động

(BĐT) - Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định xử phạt vi vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người lao động có một trong các hành vi sau đây: Không tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi có lệnh của người sử dụng lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân được trang bị hoặc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân sai mục đích.

Người sử dụng lao động có hành vi tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động không đủ số lượng sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không điều trị hoặc khám sức khỏe định kỳ hoặc lập hồ sơ sức khỏe riêng biệt cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp; không thông tin về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các yếu tố nguy hiểm, có hại và các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định; không tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định; không bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động bị bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa; không nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc.

Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện ngay những biện pháp khắc phục hoặc ngừng hoạt động của máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng khi hết giờ làm việc; không tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và không báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, sẽ phạt tiền người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mà không có thẻ an toàn theo một trong các mức sau: Từ 5 – 7 triệu đồng với vi phạm từ 1 - 10 người; từ 7 – 10 triệu đồng với vi phạm từ 11 - 50 người; từ 15 – 25 triệu đồng với vi phạm từ 51 - 100 người; từ 25 – 35 triệu đồng với vi phạm từ 101 - 300 người; từ 35 – 50 triệu đồng với vi phạm từ 301 người trở lên.

Theo dự thảo, người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang cấp nhưng không đạt chất lượng, quy cách hoặc chưa được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn công bố áp dụng cho người làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại sẽ bị phạt từ 3 – 30 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 – 60 triệu đồng đối với người sử dụng lao động buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.

Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không xây dựng kế hoạch và triển khai, tổng hợp đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường.

Chuyên đề