“Siêu lừa” Huyền Như lại ra tòa

(BĐT) - Ngày 23/9, Huỳnh Thị Huyền Như, trong khi đang chấp hành bản án chung thân, đã có mặt tại phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Bảo Ngọc, nguyên cán bộ Ngân hàng ACB, theo lệnh triệu tập của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bảo Ngọc và Huyền Như tại phiên tòa sáng 23/9/2016

Hầu tòa vì tiếp tay cho siêu lừa

Tại phiên tòa, Huyền Như khai ngày 14/6/2011, Huỳnh Thị Bảo Ngọc gọi điện cho Như bảo có khoản tiền cần gửi. Hai bên trao đổi về số tiền, kỳ hạn, lãi suất cụ thể gồm lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất chênh ngoài. Riêng Ngọc được hưởng lãi suất 1 - 1,5%/năm. “Sau đó tôi đã chuyển hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản chị Huỳnh Thị Chiêu Uyên (chị gái Ngọc - PV) theo yêu cầu của chị Ngọc. Đây là tiền riêng của tôi” – Huyền Như khai.

Trước lời khai này, Huỳnh Thị Bảo Ngọc phủ nhận, cho rằng mình không biết gì về việc chuyển tiền, đó là việc riêng của Huyền Như và chị gái Chiêu Uyên.

Trong phiên tòa, Huỳnh Thị Huyền Như được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trước đó, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới gần 4.000 tỷ đồng, Tòa án Tối cao tại TP.HCM - nay là Tòa án Cấp cao tại TP.HCM, đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân.

Về trách nhiệm bồi thường khoản tiền liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Bảo Ngọc đã được quyết định trong bản án xét xử Huỳnh Thị Huyền Như. Huyền Như phải có một phần trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại liên quan đến hành vi lừa đảo của Huỳnh Thị Bảo Ngọc. Tuy nhiên, ý kiến của luật sư về tư cách tham gia tố tụng của Ngân hàng ACB, trong quá trình xét xử, chủ tọa cho biết sẽ xem xét và quyết định sau. Đối với một số người liên quan mà luật sư yêu cầu triệu tập, chủ tọa cho hay, tùy theo diễn biến có thể triệu tập đến tòa để tham gia tranh tụng.

Theo cáo buộc, Huỳnh Thị Bảo Ngọc (SN 1972), nguyên là Phó trưởng phòng Quản lý Quỹ của Ngân hàng ACB đã tiếp tay cho hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huyền Như.

Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), các cơ quan tố tụng xác định, năm 2010, Thường trực HĐQT ACB có chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền vào ngân hàng khác để hưởng lãi suất cao, trái với quy định Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Lý Xuân Hải, khi đó là Tổng giám đốc ACB, đã phê duyệt hạn mức gửi tiền tại Vietinbank là 1.500 tỷ đồng, thời hạn gửi 6 tháng và danh sách 19 nhân viên được ủy thác. Có 17 nhân viên thuộc Phòng Quản lý quỹ do Huỳnh Thị Bảo Ngọc làm Phó trưởng phòng.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Huỳnh Thị Bảo Ngọc đã liên hệ với Huyền Như, quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank - Chi nhánh TP.HCM) và thỏa thuận mức lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 4,8% - 6%/năm. Riêng Ngọc được hưởng lãi suất “ngoài luồng” từ 1 - 1,5%/năm.

Sau đó, Huỳnh Thị Bảo Ngọc đã tổ chức cho 17 nhân viên dưới quyền gửi gần 669 tỷ đồng tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ. Quá trình giao dịch, do Ngọc đã nhận “lót tay” của Như tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng nên bị cáo không yêu cầu các nhân viên mang tiền đi gửi phải mang thẻ tiết kiệm tương ứng về.

Lợi dụng việc này, Huỳnh Thị Huyền Như đã dễ dàng chiếm đoạt được gần 669 tỷ đồng do 17 nhân viên Ngân hàng ACB đứng tên gửi tiền bằng cách làm giả chữ ký, hồ sơ để chuyển tiền sang tài khoản khác hoặc vay vốn thế chấp bằng thẻ tiết kiệm.

Quá trình xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm vào giữa năm 2014, TAND TP. Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Huỳnh Thị Bảo Ngọc. Các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng hành vi lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như được thực hiện trót lọt nhờ có sự tiếp tay của Huỳnh Thị Bảo Ngọc.

Đường đi của các sổ tiết kiệm

Trong quá trình điều tra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như - Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Huỳnh Thị Chiêu Uyên, chị gái của Huỳnh Thị Bảo Ngọc đã tự nguyện giao nộp lại số tiền nhận hộ là 3,1 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng, dù Huỳnh Thị Chiêu Uyên có hành vi khai báo gian dối nhằm che dấu hành vi phạm tội cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc, nhưng xét Huỳnh Thị Chiêu Uyên đã tự nguyện nộp lại tiền thu lợi bất chính nên chưa đến mức xem xét trách nhiệm hình sự.
Tại phiên tòa, Bảo Ngọc khai rằng có 17 nhân viên ACB được ủy thác gửi tiền, mỗi nhân viên được Ngân hàng trả cho 500.000 - 1.000.000 đồng. Sau khi gửi tiền, thẻ tiết kiệm thì theo hợp đồng ủy thác, nhân viên không giữ mà Ngân hàng giữ. Khi bị chất vấn theo quy định thẻ tiết kiệm sẽ do ai giữ, Bảo Ngọc trả lời rằng không biết do bị cáo chỉ lo việc liên hệ, tìm ngân hàng để gửi tiền, những việc khác do bộ phận khác lo.

“Tôi không biết việc Như lừa đảo ACB hàng trăm tỷ đồng” – bị cáo Huỳnh Thị Bảo Ngọc khẳng định. “Việc gửi tiền dưới hình thức hợp đồng tiền gửi, không phải là mở sổ tiết kiệm nên tôi không biết có thẻ tiết kiệm” – bị cáo Bảo Ngọc trình bày.

Huyền Như cũng thừa nhận, Ngọc không biết việc làm giả chữ ký, hồ sơ để rút 669 tỷ đồng của Như. Theo Như khai, chính Ngọc đã gọi điện thỏa thuận việc gửi tiền. Sau đó Ngọc gửi CMND của 17 nhân viên ACB để Như mở tài khoản. Xong, Như báo số tài khoản cho Ngọc để Ngọc chuyển tiền. Ngay khi tiền về tài khoản thì Như sẽ chuyển lãi suất vào tài khoản. Chữ ký trong hồ sơ mở tài khoản, Như khai chỉ vài người trong số 17 nhân viên đến ký.

Một số nhân viên ACB trong nhóm 17 người nhận ủy thác khai rằng họ là nhân viên dưới quyền của Bảo Ngọc, khi đó Bảo Ngọc có gọi lên phòng bảo đưa CMND để qua Vietinbank ký hợp đồng thì họ đưa, hoàn toàn không biết các vấn đề khác.

Khi siêu lừa Huyền Như khẳng định đã chuyển 3,7 tỷ đồng từ nguồn tiền cá nhân của Như vào tài khoản của Huỳnh Thị Chiêu Uyên thì Bảo Ngọc phủ nhận, khai rằng không biết và đây là việc riêng của Chiêu Uyên và Như.

Chuyên đề