Sẽ xóa bỏ triệt để rào cản kinh doanh

(BĐT) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông – Tổ phó Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư khi trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu về tiến độ rà soát và gấp rút xây dựng các văn bản về điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành phù hợp với hai Luật nêu trên. 
Từ ngày 1/7 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư hết hiệu lực thi hành. Ảnh: Lê Tiên
Từ ngày 1/7 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại các thông tư hết hiệu lực thi hành. Ảnh: Lê Tiên

Các văn bản sớm được ban hành để kịp có hiệu lực từ giờ “G” (ngày 1/7/2016) theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ. 

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tính khả thi của việc ban hành đầy đủ các nghị định về điều kiện kinh doanh để kịp có hiệu lực từ giờ “G” - ngày 1/7 tới?

Dựa vào kết quả làm việc khẩn trương, tích cực của các thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, tôi thấy kết quả đạt được là tạm ổn, có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 27/4/2016. Trên cơ sở báo cáo của các Bộ, ngành về tiến độ rà soát và xây dựng để ban hành các nghị định về các điều kiện kinh doanh tồn tại trong các cấp văn bản cho thấy mặc dù thời gian còn lại rất ít, rất gấp gáp, nhưng theo tôi, việc ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh kịp thời có hiệu lực từ 1/7 tới là có tính khả thi.

Tuy nhiên, để có thể khẳng định chắc chắn có ban hành được đầy đủ tất cả nghị định về điều kiện kinh doanh trước ngày 1/7/2016 hay không thì rất khó vì nó không nằm trong phạm vi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sẽ xóa bỏ triệt để rào cản kinh doanh ảnh 1
Thứ trưởng Đặng Huy Đông
Thái độ, sự nhập cuộc của các bộ, ngành như thế nào?

Theo Luật Đầu tư năm 2014, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1/7 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp Bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực. Đến nay, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời hạn cuối cùng, trong khi theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện có hàng nghìn điều kiện kinh doanh được quy định tại hàng trăm thông tư của các Bộ, ngành. Đã có những ý kiến đề nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xin lùi thời hạn đến sau ngày 1/7/2016, tiếp tục áp dụng các thông tư để có thêm thời gian xây dựng nghị định. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu việc ban hành các nghị định phải kiên quyết xong trước ngày 1/7, đúng thời hạn luật định và phải trình Chính phủ các dự thảo nghị định trước ngày 30/5.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành phải tìm cách rút ngắn thời gian soạn thảo và ban hành các văn bản về điều kiện kinh doanh phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, tập trung vào điều kiện kinh doanh thì có thể nói các Bộ đã rất tích cực thực hiện, có một sự “nhập cuộc” rất rõ ràng, tích cực và khác hẳn với trước đây. Điều này cho thấy ở đâu người đứng đầu có sự quan tâm sâu sát trong điều hành, chỉ đạo thì công việc sẽ được đẩy nhanh tiến độ, có hiệu quả rõ ràng.

Trước sức ép rất căng về tiến độ ban hành, Thứ trưởng có quan ngại về chất lượng của các nghị định về điều kiện kinh doanh?

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa đủ điều kiện để khẳng định và đánh giá về chất lượng của các nghị định sẽ được ban hành trước ngày 1/7/2016 về điều kiện kinh doanh, vì để đánh giá được các nghị định phải có thời gian để thẩm định, mà hiện nay các nghị định này vẫn đang trong giai đoạn “hình hài” nên không thể đánh giá được.

Thứ trưởng có cho rằng vẫn sẽ có “khoảng trống” pháp lý sau ngày 1/7/2016? Và giải pháp xử lý đối với những “khoảng trống” pháp lý này là gì?

Nếu các Bộ, ngành kịp xây dựng để Chính phủ ban hành tất cả nghị định về điều kiện kinh doanh thì sẽ không có khoảng trống pháp lý, các điều kiện kinh doanh, rào cản đầu tư kinh doanh gần như sẽ được xóa bỏ. Còn trong trường hợp có những nghị định về điều kiện kinh doanh (theo danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư 2014) không kịp ban hành trước ngày 1/7 tới thì sẽ vẫn còn có khoảng trống pháp lý sau ngày 1/7/2016.

Quan điểm cá nhân của tôi là chúng ta xây dựng kinh tế thị trường, phải đặt vấn đề thượng tôn pháp luật lên hàng đầu, quyền kinh doanh của doanh nghiệp phải được đảm bảo. Nếu pháp luật vẫn có những khoảng trống không quản lý được hoạt động của doanh nghiệp ở những lĩnh vực mà Nhà nước cần quản lý thì khi xảy ra sự cố thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân.

Thứ trưởng có nghĩ là sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt lần này của Chính phủ sẽ xóa bỏ triệt để được các rào cản đầu tư, kinh doanh?

Tôi tin là sẽ xóa bỏ được triệt để những rào cản kinh doanh, không cản trở doanh nghiệp gia nhập thị trường. Từ nay đến 1/7/2016 sẽ gấp rút ban hành các nghị định về điều kiện kinh doanh liên quan đến danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư 2014. Và sau ngày 1/7/2016 sẽ tiếp tục rà soát để loại bỏ khỏi hệ thống văn bản pháp luật những quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, kể cả những ngành nghề nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, như vậy sẽ tiến tới xóa bỏ triệt để những rào cản kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

Chuyên đề