Rẻ rúng vốn nhà nước nhìn từ vụ án Vinashinlines

(BĐT) - Từ ngày 16/2 đến nay, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tiến hành xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines), một công ty con của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin). Những lời khai, tình tiết trong vụ án cho thấy nhiều khuất tất trong việc sử dụng đồng vốn nhà nước.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có nguyện vọng được nhận khoản tiền các bị cáo đã chiếm hưởng để xử lý, thu hồi. Ảnh: Lê Tiên
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có nguyện vọng được nhận khoản tiền các bị cáo đã chiếm hưởng để xử lý, thu hồi. Ảnh: Lê Tiên

Lên kế hoạch bán tàu đã mua để thu lãi lớn

Trước đó, khoảng năm 2010, tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc hàng những tập đoàn lớn nhất nước – Vinashin đã xảy ra nhiều vi phạm gây ra thiệt hại lớn và dẫn đến hàng loạt cán bộ cao cấp, trong đó có cả Chủ tịch HĐQT phải đứng trước vành móng ngựa. Khi vụ án bị khởi tố, Giang Kim Đạt, Quyền Trưởng phòng Phòng Kinh doanh của Vinashinlines đã bỏ trốn và đến năm 2015 mới bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế.

Tài liệu vụ án thể hiện trong giai đoạn 2006 - 2007 cho thấy, Vinashinlines được giao mua 3 tàu Tiger, Summer, Phoenix và cho thuê 9 tàu biển. Giang Kim Đạt và nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines Trần Văn Liêm đã trao đổi với nhau thống nhất yêu cầu phía đối tác trích lại từ 1 - 5,7% trên tổng giá trị 3 tàu mua (tổng cộng 711.000 USD). Khi cho thuê tàu, Giang Kim Đạt đã thỏa thuận để gửi giá cho thuê 9 tàu biển tương đương 249 tỷ đồng.

Nội dung thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy Vinashinlines là công ty con 100% vốn sở hữu của Vinashin. Các dự án lớn của Vinashinlines đều phải làm tờ trình xin phê duyệt từ công ty mẹ. Khi mua 3 tàu nói trên, Vinashinlines đều phải làm báo cáo, tờ trình xin sự chấp thuận từ Vinashin và sau khi Vinashin chấp thuận thì dự án mới được triển khai.

Đại diện Vinashin có mặt tại phiên tòa cho biết, nguồn tiền để mua tàu là từ nguồn trái phiếu quốc tế 600 triệu USD do Vinashin phát hành và nguồn vay ngân hàng Techcombank, Habubank (nay là SHB) và Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC).

Những lời khai khác và nội dung thẩm vấn của các luật sư thể hiện, sau khi mua 3 tàu nói trên, Vinashinlines đã đàm phán ký các hợp đồng để bán 3 tàu với mức giá có lãi lớn, ví dụ như tàu Tiger mua với giá 6,2 triệu USD, đàm phán với giá 8 triệu USD; tàu Phoenix mua 21 triệu USD, đàm phán bán 33 triệu USD. Tuy nhiên, do Vinashin không đồng ý bán tàu nên sau đó, Vinashinlines đã phải hủy hợp đồng mua bán.

Nội dung này khiến nhiều người tham dự phiên tòa ngạc nhiên, Vinashinlines mua tài sản và sau đó bán có lãi nhưng không rõ vì sao Vinashin lại không đồng ý bán dẫn đến hợp đồng mua bán bị hủy và phải bồi thường. Trong khi, đại diện Vinashin tại phiên tòa cho biết, số tiền đã mua 3 con tàu hơn 33 triệu USD hiện không có khả năng thu hồi. 

3 doanh nghiệp muốn xử lý tài sản kê biên

Một nội dung đáng chú ý khác là việc xử lý khối tài sản bị kê biên của Giang Văn Hiển (bố đẻ của bị cáo Giang Kim Đạt). Khoảng 260 tỷ đồng tiền hoa hồng và gửi giá do các bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô chủ yếu được gửi vào tài khoản ngân hàng mang tên Giang Văn Hiển. Sau đó, Giang Văn Hiển đã dùng tiền này để mua nhiều bất động sản và xe ô tô. Khoản tiền này sẽ được kê biên để xử lý cho nguyên đơn dân sự. Có tới 3 doanh nghiệp đều “liên quan” và có nguyện vọng được nhận khối tài sản kê biên nói trên để xử lý, thu hồi.

Được triệu tập với tư cách nguyên đơn dân sự, đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đề nghị Tòa án giao cho doanh nghiệp này khoản tiền các bị cáo đã chiếm hưởng. Vinalines cho biết, từ tháng 6/2010, Vinashinlines được bàn giao nguyên trạng sang Vinalines. Đồng nghĩa với việc Vinalines đang gánh khoản nợ hơn 6.000 tỷ đồng mà Vinashinlines để lại. Theo Vinalines, ngoài phải gánh khoản nợ trên, doanh nghiệp phải “cõng” trên lưng khoảng 14.000 tỷ đồng khác của 4 doanh nghiệp vốn thuộc Vinashin được điều chuyển sang Vinalines từ giữa năm 2010.

Theo đại diện của Vinashin, Vinashinlines được thành lập năm 2006 là doanh nghiệp do Vinashin nắm giữ 100% vốn điều lệ. Toàn bộ vốn kinh doanh của Vinashinlines được tập đoàn cấp, thông qua VFC. Vinashinlines là đơn vị trực tiếp bị thiệt hại, Vinashin bị thiệt hại gián tiếp. Theo số liệu VFC cung cấp, Vinashinlines vẫn còn nợ 48 triệu USD và 73 tỷ đồng, khả năng thu hồi khoản tiền này rất khó. Tại thời điểm vụ việc xảy ra, Vinashinlines đang thuộc Vinashin nên đơn vị này yêu cầu thu hồi tiền bồi thường và thiệt hại. Đại diện Vinashin lập luận, khi bàn giao Vinashinlines về Vinashin thì chưa có kết luận về vụ việc nên chưa bàn giao, do đó Vinashin vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm.

Đại diện của Vinashinlines cũng đề nghị, nếu các bị cáo bồi thường thiệt hại thì trước mắt chuyển về cho Vinashinlines quản lý. Còn số tiền này xử lý như thế nào thì chờ chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan chủ quản.

Ngoài ra, sau khi bỏ trốn ra nước ngoài, Giang Kim Đạt đã mua một số bất động sản, trong đó có ngôi nhà ở Singapore trị giá 3,6 triệu đô la Singapore (SGD) và thuê, mua hai căn hộ khác tại Anh. Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản ủy thác tư pháp gửi tới cơ quan có thẩm quyền tại Singapore, Vương quốc Anh và Bắc Ailen đề nghị phong tỏa, thu hồi số tiền này. Tuy nhiên đến nay, việc ủy thác tư pháp vẫn rất khó khăn và chưa có kết quả.

Chuyên đề