Rắc rối vụ án góp vốn đầu tư ra nước ngoài

(BĐT) - Sáng 18/7, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc đầu tư khai thác mỏ đá ở Lào theo trình tự phúc thẩm.
Bị cáo Thái Lương Trí (trái) và Dương Minh Hải trước tòa
Bị cáo Thái Lương Trí (trái) và Dương Minh Hải trước tòa

Bị cáo Thái Lương Trí, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An đã có đơn kháng cáo kêu oan. Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 18 năm tù giam.

Làm giả con dấu, tài liệu

Theo nội dung bản án, từ năm 2004, Công ty TNHH Thái Dương Nghệ An do bị cáo Thái Lương Trí làm Giám đốc đã ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 02 với Công ty Khai thác khoáng sản Thảo Oong Khăm (Lào). Giám đốc của Công ty Thảo Oong Khăm là ông Oong Khăm Sivilay (Lào). Hai bên thỏa thuận cùng thăm dò, khai thác, chế biến thiếc, chì, kẽm tại mỏ Huổi Chừn, huyện Xăm Tạy, tỉnh Hủa Phăn (Lào), thời hạn là 30 năm.

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác trên, bị cáo Thái Lương Trí đã đại diện Công ty Thái Dương Nghệ An ký kết với hai công ty khác gồm Công ty CP Dịch vụ dạy nghề Thái Dương (ông Đoàn Văn Huấn làm Giám đốc) và Công ty TNHH Thiên Phú (bà Chu Thị Thành làm Giám đốc) để cùng hợp tác, liên doanh với đối tác Lào.

Quá trình hợp tác đầu tư, bị cáo Thái Lương Trí và Dương Minh Hải đã có hành vi vi phạm pháp luật.

Ở hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, cơ quan điều tra xác định vào năm 2006, khi làm thủ tục xin cấp phép đầu tư ra nước ngoài, bị cáo Thái Lương Trí chỉ đạo nhân viên Nguyễn Ngọc Bính soạn thảo nội dung Hợp đồng số 07 (bằng tiếng Việt) và mang sang Lào để ông Oong Khăm Sivilay ký. Tuy nhiên, đối tác Lào đã không ký vào bản hợp đồng. Dù bị cáo Thái Lương Trí biết điều này nhưng để có cơ sở trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, đầu tháng 6/2006, Thái Lương Trí đã sử dụng hợp đồng có chữ ký giả của ông Oong Khăm Sivilay để bổ sung vào hồ sơ.

Sau này, khi Công ty TNHH CP Khoáng sản Lào - Việt được thành lập (tại Lào), bị cáo Thái Lương Trí đã giao cho Dương Minh Hải, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP Khoáng sản Lào - Việt làm hồ sơ xin giấy phép kinh doanh và con dấu. Dương Minh Hải đã đưa con dấu - vốn chưa được cấp phép sử dụng cho Thái Lương Trí. Việc này đã bị cơ quan chức năng của Lào phát hiện và ra thông báo xóa bỏ con dấu, yêu cầu nộp lại.

Tiếp đó, bị cáo Thái Lương Trí giao cho cấp dưới hoàn thiện thủ tục và được cấp phép khắc dấu (con dấu thứ hai). Nhưng chỉ 3 tháng sau, tháng 9/2008, cơ quan chức năng của Lào đã ban hành văn bản thu hồi giấy phép khắc dấu. Nhưng bị cáo Thái Lương Trí đã sử dụng con dấu thứ nhất (con dấu giả) đóng dấu vào 38 văn bản của Công ty TNHH CP Khoáng sản Lào - Việt. 

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Năm 2008, Công ty TNHH CP Khoáng sản Lào - Việt được thành lập với các cổ đông gồm ông Oong Khăm Sivilay (35%), bị cáo Thái Lương Trí (37%), ông Đoàn Văn Huấn (18%), bà Chu Thị Thành (10%). Trong đó, bị cáo Thái Lương Trí là Chủ tịch HĐQT, ông Đoàn Văn Huấn là Tổng giám đốc, ông Oong Khăm Sivilay và bà Chu Thị Thành là Phó tổng giám đốc.

Đến tháng 8/2008, Công ty CP Khoáng sản Lào - Việt bị rút giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Bị cáo Thái Lương Trí đã chỉ đạo bị cáo Dương Minh Hải làm thủ tục để thành lập Công ty Liên doanh khoáng sản Lào - Việt (công ty Lào) trong đó nhà đầu tư nước ngoài chỉ có duy nhất bị cáo Thái Lương Trí góp 65% vốn.

Để hoàn toàn loại bỏ tư cách cổ đông, quyền sở hữu cổ phần của ông Đoàn Văn Huấn, bà Chu Thị Thành, hai bị cáo đã soạn thảo Điều lệ công ty, xin Giấy đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép khắc dấu cho Công ty Liên doanh khoáng sản Lào - Việt. Giám định của cơ quan chức năng cho rằng, ông Huấn và bà Thành là hai cổ đông sáng lập của Công ty TNHH CP Khoáng sản Lào - Việt, chiếm tỷ lệ lần lượt là 18% và 10%. Đến thời điểm Công ty Liên doanh khoáng sản Lào - Việt được cấp phép thành lập thì ông Huấn và bà Thành không còn là cổ đông và mất quyền sở hữu đối với tỷ lệ cổ phần theo Giấy phép thành lập Công ty CP Khoáng sản Lào - Việt.

Bản án sơ thẩm nhận xét hành vi của các bị cáo ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong việc đầu tư ra nước ngoài, trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam và Lào trong dự án này. Bị cáo Thái Lương Trí bị tuyên phạt 18 năm tù giam, bị cáo Dương Minh Hải bị tuyên phạt 15 năm tù giam.

Được biết vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu từ năm 2011. Năm 2013, khi đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại từ đầu. Tháng 2/2015, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành bản cáo trạng mới và phiên tòa sơ thẩm lần 2 đã diễn ra vào tháng 5/2016.

Phải mất hơn một năm sau, phiên tòa phúc thẩm mới được mở. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong các ngày từ 18 - 21/7/2017.

Chuyên đề