Quy trình thu hồi hơn 600 tỷ từ ông Đinh La Thăng như thế nào?

Theo luật sư, khi phán quyết của Tòa đối với ông Đinh La Thăng có hiệu lực, các bản án này sẽ chuyển cho cơ quan thi hành án thụ lý, kê biên tài sản.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ PVN mất 800 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN)
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ PVN mất 800 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 29/3, TAND TP Hà Nội đã tuyên 18 năm tù và buộc bồi thường 600 tỷ đồng đối với ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN trong vụ PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù giam về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài mức án trên, cựu Chủ tịch HĐQT PVN phải bồi thường 30 tỷ đồng.

Như vậy, cùng 1 tội danh Cố ý làm trái trong 2 vụ án, bị cáo Đinh La Thăng bị tuyên phạt 2 mức án khác nhau, với tổng số tiền buộc phải bồi thường là 630 tỷ đồng. Được biết, trong vụ án đầu tiên, ông Thăng đã có đơn kháng cáo.

Quy trình thi hành án dân sự

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM cho biết, quy trình thu hồi tài sản của ông Đinh La Thăng được thực hiện theo phương thức sau: Khi bản án đối với ông Thăng có hiệu lực, Tòa án sẽ chuyển các bản án cho cơ quan thi hành án thụ lý, thực hiện các yêu cầu bồi thường cũng như kê biên tài sản, xử lý tài sản của người phải thi hành án.

Quy trình thu hồi hơn 600 tỷ từ ông Đinh La Thăng như thế nào? ảnh 1

Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Những tài sản phải kê biên bao gồm toàn bộ tài sản cá nhân, tài sản chung của vợ chồng (nếu có), tài sản đồng sở hữu.

Những tài sản không được kê biên gồm: Lương thực, thuốc men cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình; Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình; Đồ dùng thờ cúng thông thường.

Theo Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, về tài sản của ông Thăng có đủ bảo đảm cho việc thi hành án còn phụ thuộc vào việc ông Đinh La Thăng khi là nhân sự cấp cao, từng giữ các chức vụ quan trọng có kê khai tài sản cá nhân như thế nào, bao nhiêu. Trong trường hợp việc kê khai số tài sản đó trung thực, chính xác thì cơ quan thi hành án hoàn toàn có khả năng sử dụng số tài sản đó vào việc thi hành án buộc ông Thăng phải bồi thường.

Xử lý thế nào đối với tài sản chung của vợ chồng ông Thăng

Liên quan đến vấn tài sản chung của vợ chồng của ông Thăng thì thu hồi như nào? Luật sư Long cho rằng, theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực quy định: “Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Điều 106. Xử lý vật chứng

…2. Vật chứng được xử lý như sau:

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước”.

Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quy trình thu hồi hơn 600 tỷ từ ông Đinh La Thăng như thế nào? ảnh 2

Luật sư Nguyễn Minh Long.

“Đối chiếu với các chế định pháp luật với trường hợp của ông Thăng cho thấy, nếu người này có tài sản chung là của vợ chồng thì các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án vẫn có thể tách riêng quyền sở hữu của ông Thăng từ khối tài sản chung vợ chồng để tiến hành giải quyết theo pháp luật” –luật sư Long cho biết.

Đối với tài sản đồng sở hữu, Hội đồng định giá sẽ định giá các khối tài sản này. Sau đó những đương sự liên quan đến số tài sản đó được mời lên cơ quan thi hành án để các bên hòa giải, thương lượng và xem họ có đồng ý chấp nhận cho số tài sản đó giao nộp cho cơ quan nhà nước hay không.

Trong trường hợp những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không chấp nhận thì cơ quan thi hành án sẽ yêu cầu hội đồng định giá xác định tài sản, sau đó chia tài sản đó ra, hoàn trả phần được hưởng cho họ, phần còn lại của ông Thăng sẽ thi hành án dân sự theo bản án đã tuyên. Trong trường hợp, các bên không đồng ý thì buộc cơ quan thi hành án phải ra quyết định cưỡng chế.

Về tài sản đứng tên vợ hoặc con của ông Thăng, theo vị luật sư, căn cứ quy định của pháp luật về quyền sở hữu riêng thì số tiền do phạm tội, các khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội mới bị tịch thu và người phạm tội mới phải bồi thường. Còn tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác thì phải trả lại cho họ.

“Như vậy, những tài sản nếu thuộc quyền sở hữu của vợ, con ông Thăng như nhà cửa, đất đai… mang tên riêng của vợ, con của bị cáo này thì cơ quan thi hành án không thể thực hiện việc thu hồi được vì nó liên quan đến chế định quyền sở hữu riêng của cá nhân, của công dân được Pháp luật bảo vệ” – luật sư Long cho biết thêm.

Theo vị luật sư, với tài sản vợ hoặc con ông Thăng đứng tên mà xác định tài sản đó không phải do khả năng của họ làm ra thì cơ quan thi hành án phải chứng minh nguồn gốc; nếu tài sản đó ông Thăng đã cho vợ hoặc con thì không thể truy thu được nữa.

Chuyên đề