PVTEX và những sai phạm về đấu thầu

(BĐT) - Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX) được thành lập trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đầu tư về việc xây dựng Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Xuất phát từ nhu cầu chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên khi Nhà máy đi vào hoạt động, ngày 12/8/2009, Trần Trung Chí Hiếu (nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX) ký nghị quyết thống nhất thông qua chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Nhà ở cho cán bộ, công nhân viên PVTEX.

Tháng 11/2009, ông Hiếu ký quyết định chỉ định Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện thi công xây dựng dự án nhà ở nói trên. Sau đó, theo chủ trương chung của PVN, PVC có công văn gửi PVTEX chấp thuận để Công ty CP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC-KBC) được phép thay mặt PVC đàm phán, ký kết hợp đồng với Chủ đầu tư, thực hiện triển khai thi công, tiến hành nghiệm thu, thanh quyết toán và các công việc khác liên quan.

Để có cơ sở thay đổi nhà thầu, PVTEX có công văn báo cáo và được PVN đồng ý về chủ trương cho phép PVTEX được chỉ định và ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu PVC-KBC và Công ty CP Thiết kế quốc tế (HEERIM-PVC). Thời điểm này, cả PVC-KBC và HEERIM-PVC đều mới được thành lập.

Theo hồ sơ yêu cầu của PVTEX, phần về tiêu chuẩn đánh giá thì cả hai thành viên trong Liên danh nhà thầu đều không đáp ứng được mức yêu cầu tối thiểu về số năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế và thi công xây lắp công trình xây dựng (ít nhất 5 năm). Các thành viên nhà thầu liên danh cũng không đáp ứng yêu cầu có hợp đồng tương tự về quy mô, giá trị (1 hợp đồng); không đáp ứng yêu cầu về doanh thu và lợi nhuận trung bình trong 3 năm gần nhất.

Dù vậy, tháng 12/2010, Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc PVTEX) vẫn ký văn bản đánh giá Liên danh trên đủ điều kiện trúng chỉ định thầu, đề nghị HĐQT phê duyệt. Ngày 13/12/2010, ông Trần Trung Chí Hiếu ký quyết định phê duyệt Liên danh PVC-KBC và HEERIM-PVC trúng chỉ định thầu. Tiếp đó, PVTEX và PVC-KBC ký Hợp đồng số 14 về việc lập dự án đầu tư xây dựng và thi công giai đoạn 1 của Dự án Nhà ở với giá trị 101 tỷ đồng.

Ngày 28/8 tới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Phiên tòa dự kiến kéo dài 4 ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa phiên tòa.

Có hai kiểm sát viên đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội tham gia giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại Phiên tòa.

Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội bố trí 8 thẩm phán dự khuyết, 5 hội thẩm nhân dân dự khuyết, 2 thư ký phiên tòa dự khuyết.

Theo cáo trạng, trong việc lựa chọn nhà thầu, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy đã vi phạm các quy định tại Nghị định 85/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án Nhà ở cho cán bộ, công nhân viên PVTEX, Trần Trung Chí Hiếu và Vũ Đình Duy còn tự ý thay đổi thiết kế và tổ chức thi công xây lắp trái với hồ sơ khi lập, phê duyệt, thiết kế cơ sở dự án và phê duyệt của UBND TP. Hải Phòng.

PVTEX còn tạm ứng lần 2 số tiền 20 tỷ đồng cho PVC-KBC vào ngày 20/10/2012 trái với các quy định tại Hợp đồng số 14.

Sau khi nhận 20 tỷ đồng tạm ứng, Đỗ Văn Hồng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC-KBC) đã sử dụng sai mục đích, không sử dụng để hoàn thiện Dự án như cam kết, không tiếp tục triển khai thi công, đến ngày 31/3/2012 thì dừng hẳn mọi hoạt động, rút toàn bộ máy móc, nhân công khỏi công trường. Đến nay, công trình vẫn dở dang và xuống cấp nghiêm trọng.

Đến năm 2015, PVC-KBC mới hoàn trả cho PVTEX 1,5 tỷ đồng, còn hơn 19 tỷ đồng, ông Hồng thừa nhận không còn khả năng hoàn trả.

Kết quả giám định cho thấy, việc PVTEX và Liên danh nhà thầu căn cứ vào quy định của pháp luật về nhà ở xã hội khi lập và phê duyệt dự án là nhà chung cư, nhưng sau đó lại tự ý điều chỉnh thiết kế các hạng mục nhà ở của Dự án và tiến hành thi công nhà liền kề là vi phạm quy định.

Việc PVTEX tạm ứng 20 tỷ đồng khi chưa được HĐQT phê duyệt là không đúng với các quy định tại Điều lệ PVTEX. Sau 2 lần tạm ứng, tổng số tiền tạm ứng và thanh toán cho Nhà thầu tương đương với 91% giá trị hợp đồng, trái với quy định tại Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng (quy định tỷ lệ 80%), sử dụng vốn tạm ứng trái quy định.

Hậu quả thiệt hại tính bằng tiền do hành vi tạm ứng, sử dụng tiền tạm ứng sai quy định gồm: Thiệt hại đối với dự án tại thời điểm kết thúc hợp đồng là hơn 19 tỷ đồng và tiền lãi suất không kỳ hạn kể từ ngày kết thúc hợp đồng đến ngày có quyết định khởi tố vụ án là hơn 296 triệu đồng.

Chuyên đề