Phải thi hành án hơn 99.000 tỷ đồng khoản nợ của tổ chức tín dụng

(BĐT) - Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018, kết quả thi hành án dân sự (THADS) năm 2017 có những chuyển biến tích cực. Số vụ việc và số tiền thi hành xong tiếp tục tăng đều.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như qua kết quả xác minh có hơn 9.000 tỷ đồng là không có điều kiện để thi hành án. Ảnh: Hoàng Hải
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như qua kết quả xác minh có hơn 9.000 tỷ đồng là không có điều kiện để thi hành án. Ảnh: Hoàng Hải

Mặc dù lĩnh vực THADS đối với các vụ án tham nhũng đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước và dư luận nhưng việc thi hành, thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn đang rất nan giải.

 Hơn 99.000 tỷ đồng chờ thi hành án

Kết quả THADS từ ngày 1/10/2016 đến ngày 30/9/2017 cho thấy, công tác THADS đã thụ lý  882.630 vụ việc (tăng 5,57% so với năm 2016), trong đó, số có điều kiện thi hành là 693.264 việc. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 549.415 việc, đạt tỉ lệ 79,25%, tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với năm 2016.

Về tiền, công tác THADS thụ lý 172.959,724 tỷ đồng, trong đó, số có điều kiện thi hành là 92.000,198 tỷ đồng. Trong số có điều kiện thi hành đã thi hành xong 35.242,612 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng 6.144,747 tỷ đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho biết, các án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng có số tiền phải thi hành rất lớn (trên 99.000 tỷ đồng, chiếm 60,74% tổng số tiền phải thi hành của toàn Hệ thống). Song, kết quả thi hành chỉ đạt 27,89% đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi hành án xong về giá trị trên toàn quốc. Điều kiện thi hành án trong những vụ án lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án. Đơn cử, trường hợp của Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin phải thi hành án hơn 600 tỷ đồng nhưng tài sản bảo đảm thi hành án chỉ có 5 tỷ đồng.

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM Vũ Quốc Doanh cho biết thêm, năm 2017, trên địa bàn TP.HCM, Cục thụ lý thi hành 51 vụ việc/27.000 vụ việc THADS liên quan đến tham nhũng. Số tiền phải thi hành án lên tới hơn 35.865 tỷ đồng. Qua công tác xác minh, có 40 vụ việc có điều kiện thi hành. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành án là 18.989 tỷ đồng.

Trong 51 việc liên quan đến án tham nhũng, nếu chỉ riêng 2 vụ Huỳnh Thị Huyền Như (có số tiền phải thu là hơn 14.000 tỷ đồng) và vụ án Phạm Công Danh (phải thu là 12.000 tỷ đồng) đã phải thu lên tới 26.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 85% trong tổng số tiền phải thi hành.

Tuy nhiên, số tiền chưa có điều kiện thi hành án được xác định đã hơn 11.505 tỷ đồng, trong đó vụ Huyền Như qua kết quả xác minh có hơn 9.000 tỷ đồng là không có điều kiện để thi hành án. 

Xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn

Lý giải về những khó khăn, vướng mắc trong THADS đối với những án tham nhũng, ông Vũ Quốc Doanh nhấn mạnh, hầu hết vụ việc đều số tiền phạt thi hành án lớn nhưng tài sản đảm bảo cho việc thu hồi tài sản cho nhà nước thì rất ít hoặc thấp, không đủ theo quyết định bản án của tòa đã tuyên.

Bên cạnh đó, quá trình xử lý tài sản này gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, cơ quan điều tra chậm chuyển giao vật chứng hoặc chưa chuyển vật chứng, giấy tờ pháp lý liên quan đến các pháp luật khác lý do bản án của Tòa chỉ hủy 1 phần và đang chờ xét xử lại. Một số tài sản bất động sản của bị cáo đang thực hiện trả dần theo tiến độ, chưa có chủ quyền nên mặc dù cơ quan điều tra đã kê biên, tòa án đã kê biên nhưng chưa có chủ quyền của bị cáo nên chưa thể xử lý được.

Mặc khác, tài sản đảm bảo của các án tham nhũng của bị cáo nằm rải rác rất nhiều ở các địa phương. Ví dụ, vụ Huỳnh Thị Huyền Như và Phạm Công Danh, tài sản bảo đảm ngoài ở TP.HCM thì còn nằm rải rác ở nhiều địa phương (Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Tiền Giang). Do đó, việc xử lý tài sản này theo quy định của Luật là phải xử lý xong tại địa phương (TP.HCM) rồi mới xử lý tại các địa phương nơi có tài sản khác.

Người phải thi hành án là các bị cáo đang phải chấp hành án tù tại các trại giam của Bộ Công an quản lý nên quá trình đi tống đạt những thông báo, quyết định đa số các bị cáo không hợp tác, cũng không ủy quyền cho bất cứ ai dẫn tới việc chấp hành viên phải thường xuyên đi tới các trại giam này để tống đạt, nằm rải rác nhiều nơi (miền bắc, miền trung)...

Từ thực tiễn THADS, ông Doanh đề xuất, cần thống nhất về cơ chế thi hành án đối với những vụ việc có tài sản thi hành án nằm tại nhiều địa phương khác nhau. Với quy định như hiện nay sẽ làm kéo dài thời gian thi hành án và chậm trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp cần có những sơ kết đánh giá việc thi hành án các vụ án tham nhũng này để trên cơ sở đó có chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rút kinh nghiệm cho địa phương.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp có có chế phối hợp với Bộ Công an hỗ trợ cho các chấp hành viên khi liên hệ trực tiếp với các trại giam công an được tạo điều kiện trong công tác gửi các quyết định tống đạt tới các bị cáo. Hoặc có cơ chế chấp hành viên có thể gửi thông báo quyết định qua giám thị trại giam, tống đạt cho các bị cáo mà không phải liên hệ đi tới trực tiếp tới trại giam để giảm thời gian, chi phí thi hành án.

Chuyên đề