Ông Trầm Bê: 'Nói bị cáo cố ý làm trái là không phục'

Khẳng định không gây thiệt hại cho ngân hàng của mình, ông Trầm Bê cũng "không phục" cáo buộc bản thân cố ý vi phạm pháp luật.
Ông Trầm Bê tại tòa.
Ông Trầm Bê tại tòa.

Sáng 10/1, TAND TP HCM bước sang ngày làm việc thứ ba xét xử ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm làm rõ sai phạm trong việc Sacombank cho 6 công ty của ông Danh vay 1.800 tỷ đồng, tòa thẩm vấn ông Trầm Bê.

Theo cáo buộc, tháng 4/2013 ông Danh đến gặp Trầm Bê đặt vấn đề vay 2.000 tỷ đồng. Để được chấp thuận, ông Danh sử dụng pháp nhân 6 công ty do mình thành lập, làm báo cáo tài chính khống… và lấy tiền của VNCB thế chấp vào Sacombank. Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank bàn với Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) cho ông Danh vay 1.800 tỷ đồng vì đây là mức tối đa ông Bê được phép phê duyệt mà không phải thông qua HĐQT.

Do 6 công ty của ông Danh không có hoạt động kinh doanh nên đến hạn Sacombank đã trừ nợ 1.800 tỷ đồng gốc và 35 tỷ tiền lãi từ tài khoản tiền gửi của VNCB tại nhà băng mình.

Trả lời HĐXX, ông Trầm Bê thừa nhận hành vi là như vậy nhưng cáo trạng có một số chỗ chưa chính xác. Ông Danh là khách hàng lâu năm của bị cáo từ khi còn làm việc tại Ngân hàng Phương Nam. Trước đó biết ông Danh làm ở Tập đoàn Thiên Thanh sau đó chuyển sang Ngân hàng Đại Tín - TrustBank (sau này là VNCB).

"Bị cáo biết lúc ông Danh vay tiền vừa là Chủ tịch VNCB vừa là chủ Tập đoàn Thiên Thanh, thế mà lại sang ngân hàng mình vay tiền à?", chủ tọa hỏi.

"Tôi lúc đó không suy nghĩ gì chỉ nghĩ họ là khách hàng và có tài sản bảo đảm thì cho vay thôi", ông Bê đáp.

"Nhưng ông Danh là chủ thể đặc biệt", chủ tọa lưu ý. "Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng ông Danh không được phép vay tiền ngân hàng mình làm chủ, giống như tôi, nhưng không bị cấm sang ngân hàng khác vay", ông Bê giải thích.

Ông Bê cũng nói rằng bản thân từng làm ngân hàng 10 năm, đều giữ vị trí phó Chủ tịch hai ngân hàng Phương Nam và Sacombank. Điều kiện cho vay của hội đồng tín dụng theo quy định là phải có tài sản bảo đảm, thu hồi được nợ, có lãi và phương án kinh doanh. "Tôi nghĩ mình thu hồi được nợ thì không bị khởi tố hình sự", ông Bê cho biết.

"Bị cáo không quan tâm đến phương án kinh doanh, chỉ thu được tiền nợ? Nhận thức của bị cáo là như vậy chứ gì?", chủ tọa hỏi. "Không phải như vậy, khi làm việc với ông Danh tôi đã giao cho Tổng giám đốc Phan Huy Khang làm theo quy trình. Tôi nói anh Danh mang tiền sang đảm bảo phải được sự đồng ý của hội đồng tín dụng của Đại Tín", bị cáo đáp.

"Có khi nào bị cáo nghĩ ông Danh cũng là người kinh doanh tiền nhưng lại mang tiền của ngân hàng mình đi đảm bảo cho các công ty đi vay", chủ tọa hỏi.

Ông Bê cho rằng ông Danh cũng là đại diện một pháp nhân, một tập thể sử dụng tiền của mình để kiếm thêm tiền lời. Tiền ông Danh mang sang Sacombank bảo lãnh là tiền gì, ông không biết, vì sau khi gặp ông Danh đồng ý cho vay, mọi chuyện đã giao lại cho Khang giải quyết.

"Bị cáo đã xem kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước về hành vi sai phạm của mình, nhưng bị cáo không phục. Bởi ngân hàng được làm những gì pháp luật không cấm", ông Bê nói.

Các bị cáo tại tòa.

Cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank cũng cho rằng, số tiền 1.800 tỷ đồng (được cho là vật chứng trong vụ án) là tiền bảo lãnh cho các khoản vay chứ không phải tiền đem đi phát hành ở thị trường hai.

"Đây là một vụ án mà nhiều ngân hàng cùng tham gia cho vay. Nếu chỉ một mình ngân hàng của bị cáo thì nói rằng đó là do nhận thức của bị cáo. Không lẽ các ngân hàng lớn khác cũng vậy?", ông Bê nói và đề nghị "các nhà làm luật phải ghi rõ trong Luật tổ chức tín dụng" đừng để những người khác như ông mắc vào sai phạm tương tự.

"Cố ý làm trái là phải có tư lợi gì, giúp gì cho anh Danh. Nếu bị cáo cố ý làm trái thì có là quan hệ vợ chồng, cha con cũng không dám làm. Xin cho bị cáo một cái định hình, khái niệm rõ ràng hơn", ông Bê nói.

"Không lẽ những người làm như tôi nhưng nói không quen anh Danh thì không phạm tội? Chẳng lẽ tôi khai báo thật thà từ đầu thì phạm tội? Không lẽ thật thà quá nói quen thì là làm trái sao... bị cáo không phục", ông Bê nêu quan điểm.

Cuối phần thẩm vấn, ông Bê xin tòa xem xét trả lại căn nhà bị kê biên ở quận Bình Tân. Trước đây vợ chồng ông ở, nhưng xem lại giấy tờ thì đây là nhà của vợ chồng người chị.

"Có khi nào là nhà của bị cáo cho bà chị đứng tên?", chủ tọa hỏi. Ông Bê bật cười: "Giấy tờ này có từ lâu rồi".

Ông Phạm Công Danh bị bệnh thận, liên tục mệt trong ba ngày qua.

Theo cáo trạng, bằng hình thức tương tự, ông Danh mượn pháp nhân các công ty của Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt), Đặng Thị Bích Thủy, Đinh Việt Cường (Giám đốc, phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp TPBank) vay của TPBank 1.666 tỷ đồng và được đảm bảo bằng khoản tiền gửi 1.700 tỷ đồng của VNCB tại nhà băng này.

Để có tiền tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu VNCB đã được phê duyệt, ông Danh đặt vấn đề với lãnh đạo BIDV gồm ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (hai phó Tổng giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý rủi ro) vay 4.700 tỷ đồng.

Ông Danh lấy lý do "có 12 doanh nghiệp là khách hàng của VNCB muốn vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng", do VNCB trong thời gian tái cơ cấu không có khả năng cho vay nên ông giới thiệu sang BIDV.

Thực chất, đây là các công ty do ông Danh lập ra, thuê nhân viên của mình đứng tên làm giám đốc. Vì được ông Danh cam kết đảm bảo các khoản vay bằng tiền của VNCB gửi tại nhà băng này nên ông Trần Bắc Hà (Trưởng phân ban) ký phê duyệt.

Liên quan vụ việc, ông Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (là lãnh đạo và cán bộ BIDV Chi nhánh Gia Định) bị cho là đã cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh trong việc giải ngân khoản vay 430 tỷ đồng.

Riêng ông Trần Bắc Hà và hai phó tổng được cho là "không biết những công ty này của ông Danh"; việc cho vay cũng không gây thiệt hại cho BIDV nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Quá trình tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) thành Ngân hàng Xây Dựng, ông Danh cùng đồng phạm bị cáo buộc thực hiện hàng loạt sai phạm, gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỷ đồng của nhà băng.

Trong giai đoạn đầu của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ), TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm giữ nguyên mức án 30 năm tù đối với ông Danh cùng 35 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Toà cũng buộc các bị cáo liên đới nộp lại số tiền này.

Hiện, cục Thi hành án TP HCM đã thu hồi được hơn 5.000 tỷ đồng.

Chuyên đề