Ông Phạm Công Danh được đặc cách theo dõi tòa từ phòng lưu phạm

Bị bệnh thận nặng không thể ngồi lâu, ông Danh được tòa cho vào phòng lưu phạm để theo dõi phiên tòa trong lúc VKS công bố cáo trạng.

Ngày 9/1, đại diện VKSND TP HCM công bố bản cáo trạng dài 130 trang truy tố ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc có nhiều sai phạm, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng cho VNCB trong thời gian tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.

Ngồi tại khu vực bị cáo, ông Danh tỏ vẻ mệt, chủ tọa Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) đề nghị công tố viên ngưng đọc cáo trạng. "Bị cáo Danh bị suy thận độ 3, không thể ngồi lâu nghe cáo trạng. HĐXX cho phép ông vào phòng lưu phạm phía sau vị trí của VKS tiếp tục nghe cáo trạng để tiện cho việc chăm sóc sức khoẻ", chủ tọa nói.

Trong phiên tòa ngày hôm qua, ông Danh cũng liên tục bị choáng, được HĐXX cho ra ngoài để chăm sóc sức khỏe. Cựu Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank cũng bị bệnh tiểu đường nặng, gầy đi nhiều so với trước khi bị bắt và luôn mang theo mình túi thuốc tây.

Trong buổi làm việc chiều 8/1, tòa kiểm trả danh sách gần 200 người có quyền và nghĩa vụ liên quan được triệu tập để phục vụ cho công tác xét xử. Trong đó có ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) cùng nhiều lãnh đạo của ngân hàng này, song không ai có mặt.

Một số đại gia khác như ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn cũng không có mặt tại tòa.

Cuối buổi làm việc, đại diện VKS để nghị HĐXX đế nghị "triệu tập bằng được" ông Trần Bắc Hà và một số cá nhân quan trọng nhằm phục vụ quá trình thẩm vấn, làm rõ một số vấn đề.

Ông Hà cùng với ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang (hai cựu phó tổng giám đốc BIDV) được cho là đã phê duyệt về chủ trương cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng. Việc này gián tiếp gây thiệt hại cho VNCB 2.550 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định, ông Hà và hai phó tổng không biết những công ty này của ông Danh. Việc cho vay không gây thiệt hại cho BIDV nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Theo cáo buộc, trong giai đoạn tham gia tái cơ cấu VNCB, để có tiền chi chăm sóc khách hàng, trả nợ… ông Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng 29 lượt pháp nhân các công ty do mình thành lập hoặc đi mượn để lập hợp đồng vay khống tiền của các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank.

Do những công ty này không có hoạt động kinh doanh, ông cam kết sử dụng tiền của VNCB để đảm bảo cho các khoản vay dẫn đến thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Trầm Bê bị cáo buộc giúp ông Danh rút trái phép 1.800 tỷ đồng của VNCB.

Trong thời gian điều hành VNCB, ông Danh và đồng phạm còn thực hiện nhiều hành vi sai phạm gây thiệt hại số tiền 9.000 tỷ đồng của nhà băng này. Hành vi này đã được cơ quan tố tụng đưa ra xét xử trong giai đoạn đầu của vụ án. Hồi đầu năm 2017, ông bị TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên phạt mức án 30 năm tù. Đồng thời, tòa buộc ông Danh và những người liên quan phải nộp lại số tiền thất thoát.

Chuyên đề