OceanBank mất 500 tỷ đồng cho vay, đại gia nào hưởng lợi?

Luật sư của bị cáo Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn cùng cho rằng thân chủ của họ bị cựu chủ tịch OceanBank chi phối.

Ngày 18/9, phiên xử sơ thẩm vụ đại án OceanBank diễn ra tranh luận căng thẳng giữa phần bào chữa của luật sư bảo vệ ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh) với luật sư của bà Hứa Thị Phấn (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín).

Theo cáo buộc, năm 2012, ông Hà Văn Thắm – nguyên chủ tịch OceanBank, gặp bà Hứa Thị Phấn (tức Sáu Phấn, đại diện nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) đặt vấn đề chuyển giao nhà băng này.

Ngày 23/2/2012, bà Phấn bán gần 250 triệu cổ phần (gần 85% vốn điều lệ của ngân hàng này) với tổng giá trị ghi trong hợp đồng chỉ gần 4,5 tỷ đồng. Đổi lại, ông Thắm phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, quyền được sở hữu tài sản đảm bảo từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng cùng một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại Đại Tín.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản Đại Tín, ông Thắm phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng. Lúc đó, ông Thắm đã thỏa thuận, chuyển nhượng lại Đại Tín cho ông Phạm Công Danh.

Ngày 9/10/2012, bà Phấn ký lại hợp đồng với ông Danh, chuyển nhượng hơn 250 triệu cổ phần Đại Tín với số tiền 4,6 tỷ đồng. Tiếp quản, ông Danh đã làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.

Để có 500 tỷ đồng thanh khoản cho nhà băng này, ông Danh mượn tài sản của bà Phấn để thế chấp cho OceanBank. Sau đó, các ông Thắm và Danh sử dụng pháp nhân Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung để vay tiền. Đây là công ty do ông Danh thành lập và thuê Trần Văn Bình làm tổng giám đốc, không có vốn cũng như bất cứ hoạt động kinh doanh gì.

Số tiền này được OceanBank giải ngân cho Trung Dung qua một ngân hàng để thanh toán 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Phấn. 

Cơ quan điều tra cáo buộc, 500 tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Phía OceanBank bị thiệt hại cả gốc lẫn lãi là hơn 540 tỷ đồng, đến thời điểm năm 2014.

Cuối tuần qua, ông Phạm Công Danh bị VKS đề nghị mức án 16-17 năm tù còn bà Phấn bị đề nghị 17-18 năm vì tội Vi phạm về các quy định cho vay của các tổ chức tín dụng.

Hôm nay, luật sư Phan Trung Hoài khi bào chữa cho ông Phạm Công Danh cho rằng cần phải làm rõ "nguyên nhân, yếu tố cấu thành sự thật khách quan việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín". Điều này liên quan trực tiếp tới khoản vay 500 tỷ nói trên.

“Cái mà ông Danh nhận được sau khi tiếp nhận Đại Tín là 30 năm tù, mất hết tài sản nhiều năm gây dựng”, luật sư nói.

Lý giải câu nói này, luật sư Hoài cho biết lúc đầu tập đoàn Thiên Thanh có mong muốn hình thành ngân hàng riêng cho ngành xây dựng nhưng không được chấp thuận. Ông Danh chỉ có cách phải thu mua một ngân hàng thua lỗ để tái cơ cấu. Vì ông Danh là ‘dân ngoại đạo’ với ngành ngân hàng nên theo luật sư, khi ông Thắm giới thiệu việc mua lại Ngân hàng Đại Tín, ông Danh không nhận ra được sự yếu kém của nhà băng này.

Ngoài vụ án OceanBank, ông Danh còn liên quan vụ án gây thất thoát 9.000 tỷ đồng tạiNgân hàng Xây dựng.

Luật sư Hà Hải tiếp nối việc bào chữa cho rằng phải xem tổng thể quá trình chuyển giao Ngân hàng Đại tín giữa nhóm ông Danh và bà Phấn. Khoản vay 500 tỷ đồng của Trung Dung có căn nguyên, nguồn gốc việc chuyển giao ngân hàng. 

Theo các luật sư, với tài sản trực tiếp của ông Danh cũng như tài sản bà Phấn cho mượn, khoản vay 500 tỷ của OceanBank hoàn toàn có khả năng thu hồi. Người chịu trách nhiệm khi việc vay tiền gây thiệt hại là bà Phấn.

Trước những quan điểm trên, nhóm luật sư bảo vệ bà Phấn xin được bào chữa tiếp theo luôn, dù lịch tranh luận của họ vào ngày thứ 4 (20/9). Điều này được HĐXX chấp nhận.

Luật sư: Ông Thắm và Danh đều đe dọa bà Sáu Phấn

Điểm lại một số cáo buộc của cơ quan tố tụng cũng như nhóm luật sư của ông Danh nói về thân chủ mình, luật sư Thanh Thảo nói: Họ cho rằng bà Phấn là người hưởng toàn bộ khoản vay 500 tỷ đồng. Bị cáo Danh được áp dụng tình tiết giảm nhẹ còn bà Phấn thì không. Bà Phấn còn bị buộc trả toàn bộ khoản vay cho OceanBank...

Luật sư nói VKS không khách quan, công bằng trong việc truy tố, đánh giá bà Phấn không thành khẩn. Trong hồ sơ vụ án, bà Phấn chỉ có 4 lời khai, với ba tư cách tố tụng khác nhau. Có lời khai lúc chiều tối, có lời khai liền kề sáng hôm sau. Hai bản cung không đảm bảo tính khách quan, trung thực bởi ghi đúng lúc bà Phấn vừa phải đi cấp cứu. “Bà Phấn mất 93% sức khỏe, có những bệnh nan y chưa được đưa vào kết luận giám định. Với hiện trạng sức khỏe đó, cơ sở đâu kết luận bà Phấn không thành khẩn trong quá trình điều tra?”, luật sư nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ.

Theo luật sư, bà Phấn không được hưởng tình tiết nào trong khi đã hơn 70 tuổi, theo luật đây cũng ít nhất là tình tiết được xem xét. Sức khỏe bà chỉ còn lại 7% lại mắc nhiều bệnh nan y. “Với người như vậy không thể gây hại cho xã hội nữa, phải miễn trách nhiệm hình sự với bà Phấn”, luật sư bào chữa.

Cho rằng bà Phấn không phạm tội, luật sư nói "liệu bà Phấn có dễ dàng cho ông Danh mượn tài sản không?". Tự trả lời câu này, luật sư Thanh Thảo nói: Bà Phấn không hề dễ dãi trong việc cho mượn tài sản. Bà Phấn bị Hà Văn Thắm ép chuyển hơn 80% cổ phần ở Đại Tín nên chỉ đặt ra giá chuyển nhượng tượng trưng hơn 4 tỷ đồng. Buổi chuyển giao Thắm cũng không đến mà cho nhân viên tới. Sau đó, Thắm đưa người vào quản lý Ngân hàng Đại Tín. 

Ông Thắm lại biết ông Danh có ước mong làm sếp ngân hàng, phục vụ ngành xây dựng nên đặt vấn đề bán Đại Tín cho ông Danh, giá ban đầu hơn 1.000 tỷ, sau hạ xuống 800 tỷ. Cuối cùng ông Danh chuyển cho ông Thắm 500 tỷ để mua Đại Tín. Việc chuyển giao ngân hàng, Thắm cũng giao cho trợ lý ký kết chứ không trực tiếp làm.

Theo luật sư, ngày ký bán Đại Tín cho ông Danh, ông Thắm mới chuyển tiền trả cho nhóm bà Phấn. Dù bà Phấn yêu cầu ông Thắm trả lại ngân hàng nếu không tái cơ cấu được nhưng ông này không chấp thuận, còn gửi thư đe dọa rằng việc cơ cấu lại Đại Tín đã báo cáo với các cơ quan chức năng.

Ông Thắm còn đòi giao hơn 2.000 tỷ mới trả lại ngân hàng. Bà Phấn không biết ông Thắm tự chuyển nhượng cổ phần của mình cho ông Danh. Sau này ông Thắm mới gặp bà Phấn và cho biết hợp tác với ông Danh để vực dậy Đại Tín. 

Luật sư cho rằng bà Phấn không yên tâm giao Đại Tín cho ông Danh nhưng ông Thắm không đồng ý giao lại giấy tờ gốc cho bà này. Bà Phấn lúc này sức khỏe yếu, bị đưa vào tình thế không giữ giấy tờ gốc, buộc phải đưa toàn bộ cổ phần của mình. Ông Danh cũng khai nhiều lần rằng bà Phấn không muốn chuyển nhượng ngân hàng cho mình.

Theo luật sư, cả ông Thắm và ông Danh đều đe dọa bà Phấn sẽ bị ‘truy tố’ nếu Ngân hàng Đại Tín không tái cơ cấu thành công. Bà Phấn vừa mổ xong nên rất suy sụp, mệt mỏi nên phải theo yêu cầu lấy tài sản của mình, mượn tài sản của người thân giao cho ông Danh. "Thủ tục vay 500 tỷ của OceanBank thế nào, bà Phấn cũng không biết, vì thế không thể nào cùng ý chí phạm tội với Phạm Công Danh và Hà Văn Thắm", luật sư nói.

Theo kế hoạch, trong nhiều ngày tới phiên tòa vẫn tiếp tục phần tranh luận.

Chuyên đề