Nhiều sai phạm lớn tại dự án Cầu Bình Triệu II, TP.HCM

(BĐT) - Không thực hiện công bố danh mục dự án để kêu gọi đầu tư; không tổ chức đấu thầu rộng rãi, mà chỉ định nhà đầu tư thực hiện; để nhà đầu tư tự thu phí vượt phương án tài chính hàng chục tỷ đồng. 
Theo Thanh tra Chính phủ, nhà đầu tư Dự án BOT Cầu, đường Bình Triệu II đã thu vượt phương án tài chính được lập nhưng chưa được cơ quan nhà nước phê duyệt hơn 13 tỷ đồng. Ảnh: Đinh Tuấn
Theo Thanh tra Chính phủ, nhà đầu tư Dự án BOT Cầu, đường Bình Triệu II đã thu vượt phương án tài chính được lập nhưng chưa được cơ quan nhà nước phê duyệt hơn 13 tỷ đồng. Ảnh: Đinh Tuấn

Đây là những sai phạm nổi cộm tại Dự án BOT Cầu, đường Bình Triệu II tại TP.HCM vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ.

Chỉ định nhà đầu tư trái quy định

Dự án BOT Cầu, đường Bình Triệu II do Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM làm chủ đầu tư. Dự án gồm 7 tiểu dự án với tổng mức đầu tư 1.717 tỷ đồng. Theo Kết luận thanh tra của TTCP, quá trình triển khai Dự án, UBND TP.HCM không thực hiện xây dựng và công bố danh mục Cầu Bình Triệu II để kêu gọi đầu tư. Thực hiện chỉ định nhà đầu tư từ năm 2008, nhưng đến tháng 4/2011, UBND TP.HCM mới công bố danh mục đầu tư dự án này. Việc này là vi phạm Điều 7, Điều 8 Nghị định số 78/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Dự án BOT Cầu, đường Bình Triệu II còn xảy ra câu chuyện chỉ định nhà đầu tư trái luật. Cụ thể, UBND TP.HCM đã chấp thuận chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng. Việc làm này là vi phạm quy định tại Điều 10, Điều 11 Nghị định số 78/2007/NĐ-CP - TTCP chỉ rõ.

Cũng theo TTCP, việc chỉ định nhà đầu tư không đúng quy định như nêu trên đã dẫn đến không phát huy được nguồn lực xã hội, không tạo tính cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, khó có thể xác định việc lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm tốt nhất. TTCP khẳng định, trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trên thuộc UBND TP.HCM, trực tiếp là Sở KH&ĐT và các cơ quan chuyên môn liên quan của Thành phố.

Thu phí vượt hơn 13,7 tỷ đồng

TP.HCM đã chấp thuận chỉ định nhà đầu tư thực hiện Dự án BOT Cầu, đường Bình Triệu II mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng.
Theo Kết luận thanh tra của TTCP, hiện nay, do công tác giải phóng mặt bằng chậm, Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã hoàn thành việc đầu tư Phần 1, giai đoạn 2 của Dự án với tổng chi phí đã đầu tư là 224 tỷ đồng. Trong đó, Tiểu dự án 2 là 130 tỷ đồng, Tiểu dự án 3 là 89 tỷ đồng và chi cho xây dựng nửa trạm thu phí 5 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã tổ chức thu phí hoàn vốn đầu tư Dự án đến ngày 6/7/2015, đồng thời đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị tạm dừng không thu phí và được Thành phố chấp thuận bằng văn bản vào ngày 15/7/2015.

Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy, tính đến thời điểm dừng thu phí (ngày 6/7/2015), Nhà đầu tư đã thu vượt phương án tài chính được lập nhưng chưa được cơ quan nhà nước phê duyệt là 13.707 triệu đồng. Đồng thời, trong phương án tài chính do Nhà đầu tư lập đã đưa khoản ứng vốn cho Thành phố không thuộc hợp đồng hơn 49.063 triệu đồng. TTCP cho rằng, việc Nhà đầu tư thu vượt phương án tài chính nhưng chưa chuyển trả Thành phố và đưa khoản ứng vốn cho Thành phố vào phương án tài chính chưa đúng quy định là tồn tại, sai sót trong công tác nghiệm thu thanh toán, quyết toán Dự án.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Mục 10, Khoản 12.1, Điều 12 của Hợp đồng số 01/2009/HĐ-BOT thì chi phí duy tu cầu Bình Triệu I được khoán gọn là 2.143 triệu đồng/năm và cầu Bình Triệu II là 2.170 triệu đồng/năm; trạm thu phí 170 triệu đồng/năm, trượt giá được tính với chi phí duy tu, sửa chữa là 10%/năm. Tuy nhiên, TTCP cho biết, việc tính trượt giá cho chi phí duy tu, sửa chữa 10%/năm là không đúng quy định tại Thông tư số 05/2007/TT-BXD. Theo đó, đối với công trình xây dựng dưới 2 năm thì chi phí trượt giá được tính là 5%, công trình trên 2 năm thì dự phòng chi phí cho yếu tố trượt giá được tính theo chỉ số xây dựng của từng loại công trình xây dựng theo khu vực và thời gian xây dựng.

Theo quy định, trong quá trình kinh doanh công trình, Nhà đầu tư hay doanh nghiệp dự án có nghĩa vụ thực hiện bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa công trình theo hợp đồng dự án, đảm bảo công trình vận hành đúng thiết kế và phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Dự án Cầu, đường Bình Triệu II, Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật và các điều khoản của hợp đồng để công trình được vận hành theo đúng thiết kế; công tác duy tu, bảo dưỡng tuy được khoán gọn nhưng thực hiện thường thấp hơn phương án trong hợp đồng và không lập hồ sơ báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện kiểm tra, giám sát.

Chuyên đề