Nhiều dự án của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Chọn nhà thầu sai quy định

(BĐT) - Thanh tra Chính phủ vừa có Kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) và một số đơn vị thành viên...
Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp 300 toa xe của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là sai quy định. Ảnh: Lê Tiên
Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp 300 toa xe của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là sai quy định. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng của TCT ĐSVN đã bị phanh phui.

Chỉ định nhà thầu Trung Quốc sai quy định

Theo Kết luận thanh tra, TCT ĐSVN đã lựa chọn các nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh đối với Dự án Đóng mới 300 toa xe hàng có giá gói thầu trên 2 tỷ đồng sai quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2005. Chào hàng cạnh tranh để mua các bộ giá chuyển hướng cung cấp cho các Gói thầu số 1, 2, 3 có giá trị trên 2 tỷ đồng, trong khi giá chuyển hướng không phải là mặt hàng thông dụng là sai quy định của Luật Đấu thầu. Căn cứ kết quả chào hàng cạnh tranh giá chuyển hướng để quyết định giá do các nhà cung cấp khác mà không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp cũng sai quy định tại Điều 2 Luật Đấu thầu 2005.

TCT ĐSVN chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Đầu máy Tư Dương - Tập đoàn Đầu máy Toa xe phương Nam (Trung Quốc) là nhà thầu trúng Gói thầu Cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E thuộc Dự án với giá gói thầu là 14.566.000 USD nhưng không có trong kế hoạch đấu thầu của Dự án được duyệt là sai quy định tại Điều 40 Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.

TCT ĐSVN giao Công ty CP Công trình đường sắt thực hiện việc ủy thác nhập khẩu và một số công việc khác với giá gói thầu là 12,653 tỷ đồng nhưng không thông qua đấu thầu hoặc chào giá cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, sai quy định tại Điều 2 Luật Đấu thầu 2005; thanh toán cho Công ty CP Công trình đường sắt gồm một số chi phí không hợp lý, không có hóa đơn chứng từ, không có trong định mức được cơ quan có thẩm quyền ban hành số tiền hơn 2,9 tỷ đồng. 

Chia nhỏ gói thầu để chỉ định thầu

Bộ GTVT vừa ra văn bản yêu cầu TCT ĐSVN xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong Kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Trước ngày 5/10/2016, các đơn vị phải báo cáo kết quả thực hiện với Bộ GTVT.
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013, TCT ĐSVN đầu tư 31 dự án với tổng mức đầu tư là 49.748,826 tỷ đồng; giá trị thực hiện đến 31/12/2013 là 14.497,535 tỷ đồng. Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc tổ chức đấu thầu nhiều dự án có nhiều sai sót, hầu hết đều chậm, không đăng tải các thông tin đấu thầu đúng theo quy định. Tại một số dự án, chủ đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa có dự toán được duyệt, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu không đồng nhất, chủ đầu tư không báo cáo người ra quyết định đầu tư để xử lý các tình huống trong đấu thầu khi nhà thầu bỏ giá cao hơn giá dự toán được duyệt.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Gói thầu VNR-WB4-02, chủ đầu tư đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu với giá gói thầu tạm tính là 2,2 tỷ đồng, đấu thầu rộng rãi trong nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ đầu tư chia gói thầu này thành 3 gói thầu VNR-WB4-02-1, VNR-WB4-02-2, VNR-WB4-02-3, các gói thầu nhỏ này về bản chất là 1 gói thầu thực hiện cùng thời điểm, có tính chất kỹ thuật tương tự. Tại Công trình gia cố khẩn cấp hai đoạn sụt trượt thuộc tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai đoạn Km 242+200.00 - Km 243+300.00 và Km 245+000 - Km 245+700 chủ đầu tư cũng chia thành 2 gói thầu nhỏ thay vì 1 gói. Việc chia thành các gói thầu nhỏ để chỉ định thầu là sai quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 5/5/2008 của Chính phủ. Từ việc chia gói thầu như trên, chủ đầu tư đã phê duyệt các chi phí khác tăng hơn 1 tỷ đồng do áp dụng tỷ lệ phí cao hơn 1 gói.

Việc ký kết, thực hiện hợp đồng tại các gói thầu số 6, 7, 11 và 17 thuộc Dự án Thay tà vẹt K1, K2, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu không căn cứ vào kết quả đấu thầu là việc làm thiếu minh bạch trong đấu thầu và trái với quy định tại Khoản 1, Điều 42 Luật Đấu thầu năm 2005. Các gói thầu chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư không xử phạt nhà thầu theo cam kết hợp đồng.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra có 24 dự án đầu tư chậm tiến độ, nhiều dự án chậm nhiều năm như: Dự án Nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chậm hơn 10 năm; Dự án Thay tà vẹt K1, K2 chậm 7 năm; Dự án Cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM chậm hơn 3 năm; Dự án Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Vinh - Sài Gòn, giai đoạn 1 chậm 7 năm; các dự án còn lại đều chậm trên 1 năm. Việc thực hiện các dự án chậm tiến độ làm tăng chi phí đầu tư rất lớn, tính riêng 2 dự án thông tin tín hiệu đã làm phát sinh phí cam kết vay vốn phải trả tăng do chậm tiến độ hơn 37,236 tỷ đồng; một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng đến 100% như Dự án Thay tà vẹt bê tông K1, K2 tăng hơn 1.324 tỷ đồng, tương đương tăng 95% so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Chuyên đề