Nhà thầu làm gì để bảo vệ mình?

(BĐT) - Thời gian gần đây, Báo Đấu thầu nhận được không ít phản ánh của nhà thầu liên quan đến tình trạng vi phạm Luật Đấu thầu. 
Luật sư khuyến cáo, trong quá trình chuẩn bị đấu thầu, nhà thầu nên có sự chuẩn bị tốt với sự hỗ trợ của các chuyên gia tài chính. Ảnh: Lê Tiên
Luật sư khuyến cáo, trong quá trình chuẩn bị đấu thầu, nhà thầu nên có sự chuẩn bị tốt với sự hỗ trợ của các chuyên gia tài chính. Ảnh: Lê Tiên

Nhà thầu cần làm gì để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trong bối cảnh năng lực thực thi pháp luật của một số chủ đầu tư còn nhiều bất cập và việc hội nhập trong lĩnh vực mua sắm công ngày càng sâu rộng?

Nhà thầu bị động

Ông Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật Inteco cho biết, trong quan hệ về đấu thầu, đa phần các trường hợp, nhà thầu có vị thế thấp hơn chủ đầu tư, bên mời thầu, do đó, nhà thầu có những khó khăn nhất định khi đàm phán và thương thảo các điều kiện hợp đồng. Tuy vậy, nếu nhà thầu có sự chủ động và chuẩn bị tốt thì hoàn toàn có khả năng tạo lập cho mình một vị thế tốt và vững vàng trong quan hệ với chủ đầu tư.

Trên thực tế, trong không ít trường hợp, sự sai phạm của chủ đầu tư dẫn tới việc nhà thầu bị rơi vào tình trạng vi phạm quy định của hợp đồng. Có thể dẫn chứng cho điều này trong nhiều gói thầu về xây dựng hạ tầng, đường sá thời gian qua, mà trong đó, chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng sạch, không hoàn thành nghĩa vụ về đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến nhà thầu không có mặt bằng để thi công nên tiến độ dự án bị chậm rất nhiều. Do đó, nhà thầu phải nắm một cách chắc chắn, đầy đủ các thông tin về gói thầu, dự án, về yêu cầu kỹ thuật, tài chính, công nghệ để có thể triển khai dự án. Với thông tin chuẩn xác về yêu cầu, nhà thầu hoàn toàn có khả năng chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng. Nhà thầu không nên tạo ra những điểm yếu để phía bên kia “bắt thóp”, khai thác nhằm gây áp lực và tạo điều kiện khó khăn cho việc thực hiện nghĩa vụ của mình.

Vẫn theo ông Phong, trong quá trình chuẩn bị đấu thầu, đàm phán và ký kết hợp đồng, nhà thầu nên có sự chuẩn bị tốt, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tài chính, luật sư và các chuyên gia về mặt kỹ thuật để xây dựng nên một bản hợp đồng có chất lượng, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu. Nhà thầu nên trao đổi và thống nhất trước với đội ngũ tư vấn để cân nhắc và quyết định trước một số điều kiện, xây dựng nên các điều kiện tiên quyết tham gia, điều kiện có thể đàm phán…

Chính bản thân nhà thầu nên lập một tổ giám sát gói thầu để kiểm tra quá trình triển khai các hạng mục công việc của nhà thầu phụ, chủ đầu tư. Nhà thầu nên thông báo công khai và rộng rãi cho chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân liên quan về hoạt động, nhiệm vụ của tổ giám sát. Tổ giám sát sẽ chính là bộ phận thường xuyên có văn bản báo cáo cho nhà thầu, thậm chí có văn bản nhắc nhỏ đến chủ đầu tư và kiến nghị các biện pháp nhằm chấn chỉnh lại tình trạng sai phạm. Việc chủ động phát hiện và ngăn ngừa vi phạm như vậy sẽ tạo ra một trạng thái lành mạnh và thuận lợi cho việc triển khai gói thầu, cảnh tỉnh và nhắc nhở chủ đầu tư tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết của mình.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, một số chuyên gia đấu thầu cho rằng, ngay chính bản thân nhiều chủ đầu tư cũng không nhận thức một cách đầy đủ và trọn vẹn các quy định pháp luật, các quy định hợp đồng nên đưa ra các quyết định không chính xác, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu. Trong những trường hợp như vậy, sự nhắc nhở từ phía nhà thầu sẽ là một biện pháp tốt để cả hai bên cùng có lợi.

Cần mạnh tay xử lý vi phạm đấu thầu

Liên quan đến vi phạm về đấu thầu, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia cho biết, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là ý thức chấp hành quy định pháp luật đấu thầu chưa nghiêm minh. Có nhiều hành vi sai phạm bị dư luận phát giác rồi nhưng vẫn không bị xử lý. Do đó, Chính phủ cần có biện pháp xử lý nghiêm và triệt để vấn đề này thì hoạt động đấu thầu sẽ hoàn thiện hơn.

Bên cạnh đó, một vấn đề bất cập trong hoạt động đấu thầu là sự minh bạch thông tin. Hiện đã có các quy định về vấn đề này nhưng quá trình triển khai không đầy đủ và chưa thực sự hiệu quả. Do đó, cần có sự thay đổi, chỉnh sửa trong các văn bản pháp luật một cách tốt hơn.

Một số luật sư cho rằng, Hiệp định TPP nếu được thông qua, sẽ thực sự tạo ra một bước tiến lớn trong hoạt động đấu thầu ở Việt Nam, đặc biệt là hoạt động đấu thầu mua sắm công. Các nhà thầu sẽ là những đơn vị đến từ nước ngoài hoặc được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp nước ngoài, có tác phong và cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản, trình độ cao, có sự hỗ trợ của các nhà tư vấn chuyên nghiệp. Do đó, nếu chủ đầu tư, bên mời thầu không có sự chuẩn bị kỹ càng và chủ động thì nguy cơ bị kiện là rất cao. Việc cấp bách hiện nay là đào tạo và nâng cao năng lực, nhận thức của các cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị hồ sơ thầu, thực hiện thủ tục đấu thầu. Chủ đầu tư, bên mời thầu nên có sự hỗ trợ và tham gia của các chuyên gia tư vấn về tài chính, công nghệ, pháp lý trong quá trình xây dựng hồ sơ mời thầu, thực hiện các thủ tục về đấu thầu.

Chuyên đề