Ngày 19/6, ông Đinh La Thăng hầu tòa phiên phúc thẩm vụ góp vốn vào Oceanbank

Ngày 19/6 tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm trong vụ án Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) bị thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm tại phiên xử sơ thẩm.
Bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm tại phiên xử sơ thẩm.

Trước đó, tại án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt ông Đinh La Thăng - cựu Chủ tịch HĐQT/HĐTV PVN 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái”, 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; tổng hình phạt là 23 năm tù.

Các bị cáo bị tuyên phạt về tội “Cố ý làm trái” gồm: bị cáo Vũ Khánh Trường (nguyên thành viên HĐTV PVN): 5 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN): 30 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Thành viên HĐTV PVN): 22 tháng tù; Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN): 20 tháng cải tạo không giam giữ và Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN): 15 tháng cải tạo không giam giữ.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX sơ thẩm tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại lần lượt phải bồi thường từ 15 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng.

Sau khi án sơ thẩm được tuyên, các bị cáo trong vụ án có đơn kháng cáo. Bị cáo Đinh La Thăng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội công tâm, khách quan xem xét lại cả về tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự cho bị cáo. Ông Thăng cho rằng, bản án sơ thẩm đã không xem xét đến bối cảnh PVN quyết định đầu tư vào Oceanbank chỉ là phương án giải quyết hệ lụy của việc không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt.

Theo ông Thăng, việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc Oceanbank với giá 0 đồng là nguyên nhân dẫn tới việc PVN bị thiệt hại 800 tỷ đồng nhưng nội dung này đã không được bản án sơ thẩm xem xét đến.

Về trách nhiệm dân sự, cựu Chủ tịch PVN cho rằng, ông đã rời khỏi PVN từ đầu tháng 8/2011 để nhận nhiệm vụ mới nên không thể chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra đối với PVN ở thời gian sau đó.

Kháng cáo về trách nhiệm dân sự, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mong tòa phúc thẩm xem xét về mặt nhận thức chủ quan, về nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh thực hiện việc góp 100 tỷ đồng vào Oceanbank. Qua đó, bị cáo đề nghị được miễn trách nhiệm dân sự bồi thường 15 tỷ đồng như quyết định của bản án sơ thẩm.

Ngoài ra, bị cáo Sơn còn đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận lời khai của bị cáo, buộc bị cáo Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về số tiền 180 tỷ đồng mà bị cáo Sơn đã chuyển cho bị cáo Quỳnh để dùng vào việc chăm sóc khách hàng PVN chứ không phải chỉ là 20 tỷ đồng cho cá nhân bị cáo Quỳnh.

Bị cáo Phan Đình Đức kháng cáo toàn bộ các phần liên quan đến mình trong bản án sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo Ninh Văn Quỳnh đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Vũ Khánh Trường kháng cáo cho rằng hành vi vi phạm của bị cáo không phải là cố ý. Do đó, bị cáo Trường mong Tòa cấp phúc thẩm xem xét không cách ly bị cáo ra khỏi xã hội và không buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường cho PVN.

Bị cáo Nguyễn Thanh Liêm xin giảm nhẹ hình phạt và không phải bồi thường về dân sự. Bị cáo Liêm cho rằng hành vi của bị cáo là lỗi vô ý. Bị cáo không tư lợi cá nhân, không tham nhũng hay tham gia lợi ích nhóm. Bị cáo không phải biết vi phạm pháp luật mà vẫn cứ làm. Mặt khác, bị cáo Liêm cho rằng đã thành khẩn nhận lỗi ngay tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm dự kiến sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ 19 đến 25/6/2018.

Chuyên đề