Nâng cao vai trò chống tham nhũng của báo chí

(BĐT) - Để nâng cao hiệu quả việc phát hiện và làm rõ các hành vi tham nhũng, Dự thảo Luật Phòng, chống tham những (sửa đổi) đã đưa ra nhiều quy định mới về việc xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Phát hiện tham nhũng nhờ khiếu nại, tố cáo

Thanh tra Chính phủ đánh giá, trong 10 năm qua, thông qua công tác kiểm tra, nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng vẫn còn thấp. Các hành vi tham những chủ yếu bị phát hiện qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, giải pháp được Thanh tra Chính phủ đưa ra là phải hoàn thiện cơ chế phát hiện hành vi tham nhũng theo hướng phát huy mạnh mẽ các công cụ giám sát, kiểm tra của Đảng, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử trong phát hiện tham nhũng; áp dụng các biện pháp ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền nhằm tránh tẩu tán tài sản và các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng ngoài quy trình tố tụng hình sự.

Cùng với đó, cần hoàn thiện quy định của pháp luật nhằm tích cực phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện tham nhũng, nâng cao trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ việc xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện, đăng tải.

Quy định thẩm quyền thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

Trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), Thanh tra Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan đến thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, cần bổ sung quy định “thẩm quyền kiểm tra, thanh tra dấu hiệu tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan Đảng; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên”. UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bến Tre thì cho rằng, việc quy định thẩm quyền thanh tra cấp tỉnh thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức công tác tại cơ quan hành chính nhà nước ở cấp huyện, cấp xã có mâu thuẫn với quy định về thẩm quyền giải quyết các vụ việc tố cáo theo các quy định hiện hành tại một số luật như Luật Thanh tra, Luật Tố cáo...

Song, cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, nhằm khắc phục những hạn chế trong việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) quy định về căn cứ tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi: Có dấu hiệu hành vi tham nhũng; Theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền; Khi có thông tin, phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng mà có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để kiểm tra, xác minh; người thông tin, phản ánh, tố cáo nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình. 

Chuyên đề