Nan giải nợ đóng bảo hiểm

(BĐT) - Đến ngày 31/12/2015, tổng số tiền nợ đóng các quỹ bảo hiểm là 9.920,8 tỷ đồng, chiếm 4,88% trên tổng số phải thu năm 2015, tăng 0,61% so với năm 2014. 
Công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa được thực hiện cương quyết. Ảnh: Hải Phong
Công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa được thực hiện cương quyết. Ảnh: Hải Phong

Tại Báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, công tác thu hồi nợ đóng bảo hiểm chưa thực sự tốt, kết quả nợ phải thu về bảo hiểm còn lớn và tăng nhiều so với năm 2014 cả về tỷ lệ và số tiền còn nợ.

Nợ đọng bảo hiểm lớn

Mặc dù đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc thu hồi nợ từ các quỹ bảo hiểm; giao chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); thực hiện chấm điểm, đánh giá thi đua công tác thu năm 2015 đối với từng tỉnh, thành phố nhưng theo BHXH hiện vẫn còn nhiều tỉnh có số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cao. Đơn cử như Hà Nội còn nợ 2.170 tỷ đồng; TP.HCM nợ là 1.945 tỷ đồng, Bình Dương nợ 423 tỷ đồng, An Giang nợ 227 tỷ đồng, Đồng Nai nợ 298,7 tỷ đồng.

Việc nhiều địa phương còn nợ tiền đóng bảo hiểm khiến ngân sách trung ương phải hỗ trợ đóng BHYT năm 2015 theo quy định là 132.645 triệu đồng, tuy nhiên, lũy kế đến 31/12/2015, ngân sách trung ương phải hỗ trợ đóng BHYT tới 234.514 triệu đồng. Còn đối với quỹ BHTN, tính đến hết năm 2014, ngân sách trung ương còn phải hỗ trợ quỹ này số tiền lên tới 3.140.948 triệu đồng.

Theo báo cáo của BHXH, đến năm 2015, cơ quan BHXH chưa có thẩm quyền xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, vì vậy mà sau khi phát hiện các vi phạm, hình thức xử phạt chỉ dừng lại ở việc làm văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan xử lý. Việc làm này khiến tính hiệu quả của việc xử lý là không cao. Bên cạnh đó, do nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế nên việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng bảo hiểm vẫn thường xuyên xảy ra.

Đáng chú ý, tình trạng doanh nghiệp tự giải thể, phá sản, doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh hoặc có chủ bỏ trốn do làm ăn thua lỗ cũng làm gia tăng nợ bảo hiểm. Trước thực trạng này, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị BHXH cần báo cáo các bộ, ngành liên quan về tình hình nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, không có khả năng thu hồi nợ tiền bảo hiểm để có biện pháp xử lý đối với các khoản nợ đọng này.

Để xảy ra tình trạng nợ đọng bảo hiểm, theo cơ quan kiểm toán, có một phần nguyên nhân từ việc công tác đôn đốc, thu hồi nợ đọng của cơ quan BHXH chưa được thực hiện đồng bộ, cương quyết; còn trường hợp đã lập biên bản làm việc nhưng chưa có giải pháp, biện pháp kiến nghị, xử lý triệt để. Cơ quan BHXH cũng chưa thực hiện công khai danh tính đơn vị nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng… Điều này khiến cho tình hình nợ đọng bảo hiểm có xu hướng ngày càng tăng cao. 

Yêu cầu tăng nộp ngân sách hơn 54 tỷ đồng

Theo báo cáo của BHXH, đến năm 2015, cơ quan BHXH chưa có thẩm quyền xử phạt các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, vì vậy mà sau khi phát hiện các vi phạm, hình thức xử phạt chỉ dừng lại ở việc làm văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan xử lý. Việc làm này khiến tính hiệu quả của việc xử lý là không cao.
Báo cáo tài chính năm 2015 của BHXH được lập theo mẫu biểu của Chế độ kế toán BHXH ban hành tại Thông tư số 178/2012/TT-BTC ngày 23/10/2012 của Bộ Tài chính.

Sau khi thực hiện điều chỉnh số liệu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Báo cáo tài chính năm 2015 của BHXH được điều chỉnh: tăng phải nộp ngân sách nhà nước số tiền là 54.020 triệu đồng (số phải nộp ngân sách nhà nước do cấp thẻ trùng BHYT là 54.007 triệu đồng); giảm các khoản phải trả số tiền là 35.513 triệu đồng và tăng các quỹ bảo hiểm số tiền là 35.440 triệu đồng và nguồn kinh phí bộ máy 73 triệu đồng.

Báo cáo tài chính cũng điều chỉnh giảm chi BHXH số tiền là 50 triệu đồng; giảm chi BHTN là 1.917 triệu đồng; giảm chi quản lý bộ máy là 35,6 triệu đồng; giảm chi BHYT là 32.162 triệu đồng; tăng quỹ BHYT 48.222 triệu đồng; tăng quỹ BHXH bắt buộc là 120.738 triệu đồng; tăng quỹ BHXH tự nguyện 496 triệu đồng; tăng quỹ BHTN 8.236 triệu đồng; giảm nguồn kinh phí quản lý bộ máy 162.130 triệu đồng.

Về xử lý tài chính, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, BHXH nộp ngân sách nhà nước số tiền 54.020 triệu đồng; thu hồi số tiền chi phí khám chữa bệnh BHYT sai quy định trong năm 2015 với số tiền là 21.496 triệu đồng; năm 2016 tổng số tiền là 4.399 triệu đồng, trong đó tại các cơ sở khám chữa bệnh tỉnh Thái Bình số tiền 2.944 triệu đồng, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình số tiền 1.455 triệu đồng.

Chuyên đề