Mua sắm trực tiếp ô tô chuyên dụng

(BĐT) - Áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp với nhà thầu chưa thực hiện gói thầu trước đó.
Mua sắm trực tiếp ô tô chuyên dụng

Hỏi: Công ty chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước. Cách đây 6 tháng, thông qua đấu thầu rộng rãi, Công ty đã lựa chọn được nhà thầu A thực hiện Gói thầu Cung cấp 10 xe ô tô chuyên dụng (Gói thầu số 1) thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp năng lực sản xuất, kinh doanh giai đoạn 1. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Dự án, trong giai đoạn này có Gói thầu số 2: Cung cấp 10 xe ô tô chuyên dụng (tương tự như Gói thầu số 1).

Qua tìm hiểu thị trường, chúng tôi thấy xuất hiện Công ty B có khả năng cung cấp 10 xe ô tô chuyên dụng với nhiều chính sách về giá cả và dịch vụ sau bán hàng tốt hơn nhà thầu A; Công ty B chưa từng trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu tương tự. Vậy, trong trường hợp này, Công ty chúng tôi có được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp để mời Công ty B vào đàm phán hợp đồng, bảo đảm giá hợp đồng sau đàm phán của Gói thầu số 2 thấp hơn giá hợp đồng của Gói thầu số 1 hay không? 

Trả lời: Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 24 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, một trong những điều kiện để áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp là nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó.

Theo đó, mặc dù Công ty B có khả năng cung cấp 10 xe ô tô chuyên dụng với nhiều chính sách về giá cả và dịch vụ sau bán hàng tốt hơn nhà thầu A nhưng do trước đây Công ty B chưa từng trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu tương tự nên trong trường hợp này không đủ điều kiện để áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp đối với Gói thầu số 2 cho Công ty B theo quy định nêu trên.

Bản chất của hình thức mua sắm trực tiếp là mở rộng phạm vi cung cấp của hợp đồng đã ký kết trước đó. Sở dĩ việc áp dụng mua sắm trực tiếp với nhà thầu trúng thầu trước đó là do chủ đầu tư đã kiểm chứng được năng lực, kinh nghiệm và khả năng thực hiện hợp đồng tương tự trước đó của nhà thầu này. Việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu tương tự mà trước đó đã lựa chọn được nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, hạn chế sẽ mất thời gian, trong nhiều trường hợp đơn giá trúng thầu lại cao hơn đơn giá của hợp đồng đã ký kết. Vì vậy, việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp sẽ giúp tiết kiệm thời gian lựa chọn nhà thầu đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho gói thầu.

Việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13. Theo đó, nếu gói thầu không đáp ứng quy định nêu trên thì phải áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác cho phù hợp.

Ngoài ra, do hiệu quả của việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp mang lại, trong Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã bổ sung quy định mới so với Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11. Theo đó, trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu nhà thầu này đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật và giá theo hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó (Khoản 3 Điều 24 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13).

Chuyên đề