Minh bạch để không cản trở doanh nghiệp

(BĐT) - Cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đa số đại biểu Quốc hội đồng thuận về sự cần thiết phải ban hành Luật.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được xây dựng nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Một số đại biểu cho rằng, việc ban hành Danh mục không cản trở hoạt động của doanh nghiệp (DN), nếu quá trình thực hiện đảm bảo minh bạch, công khai, với tinh thần phục vụ DN.

Cần thống nhất về nguyên tắc phân loại

Bày tỏ sự đồng thuận cao với Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, những lý do mà Chính phủ đưa ra là hết sức xác đáng. Đại biểu này nhận định, bản Danh mục đề xuất có bước tiến đáng kể khi từ 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm xuống còn 226 ngành, nghề.

Trước đó, Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nêu rõ, Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở yêu cầu cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, DN trong những ngành, nghề mà Luật này không cấm.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu ý kiến, Danh mục cần có sự thống nhất về nguyên tắc phân loại trong những trường hợp: những ngành, nghề chỉ cần chứng chỉ chuyên môn để hành nghề; những ngành, nghề bắt buộc và bị giới hạn bởi lý do an ninh, quốc phòng hoặc có nguy cơ nguy hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư; ngành, nghề không có nguy cơ nguy hại mà chỉ cần có những điều kiện và tiêu chuẩn để thực hiện sản xuất, kinh doanh… “Với những ngành, nghề chỉ cần quy định tiêu chuẩn, dịch vụ đơn thuần thì không nên đưa vào Danh mục, mà quy định theo chế độ hậu kiểm và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sẽ phù hợp hơn” - đại biểu Nguyễn Lâm Thành góp ý.

Đại biểu tỉnh Nguyễn Lâm Thành cũng đề xuất: “Nên thông qua ngay Dự thảo Luật tại kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, rào cản trong thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên về lâu dài, trên quan điểm 1 luật sửa nhiều luật, Chính phủ cần tiếp tục tập trung rà soát kỹ lưỡng để có 1 bản Danh mục chuẩn các ngành, nghề được quy định phù hợp hơn trên cơ sở quy định các tiêu chí nằm trong Danh mục bãi bỏ”. 

Không cản trở hoạt động của doanh nghiệp

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Trước những ý kiến cho rằng, việc xây dựng Dự án Luật này “chưa có tiền lệ” khi Luật chỉ sửa 1-2 điều, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ, xây dựng Dự án Luật để sửa tên, sửa 1-2 điều là bình thường. Bởi, trên thực tế có nhiều luật được xây dựngđể điều chỉnh những lĩnh vực rộng lớn, nhưng cũng có những luật phạm vi điều chỉnh hẹp hơn,do đó “không nên máy móc”.

Đại biểu Nghĩa cũng bày tỏ nhất trí với quan điểm cần ban hành Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiệnvà cho rằng, không phải cứ đưa vào điều kiện kinh doanh là cản trở DN, mà chủ yếu là do cách làm của những người thực hiện. “Quy định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà làm minh bạch, công khai, cụ thể với tinh thần phục vụ thì DN sẽ cảm thấy thoải mái” - đại biểu Nghĩa nhận định.

Đại biểu này cũng nhấn mạnh mong muốn, khi ban hành Danh mục, lý tưởng nhất là có luôn những quy định về điều kiện kinh doanh để các đại biểu Quốc hội thảo luận. Không nên để các bộ ban hành quy định về điều kiện, mà cần quy định ở mức Nghị định để các bộ không can thiệp, mà cứ thế áp dụng.

Giải trình thêm tớicác đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Theo đó, việc cắt giảm, bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh phải tuân thủ đúng quy định này và cơ quan soạn thảo đề xuất các ngành, nghề cắt giảm và bổ sung là có cơ sở rõ ràng. Các ngành, nghề cắt giảm hay bổ sung phải đáp ứng những tiêu chí được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư. Ngoài ra, việc sửa tên, hệ thống hóa, hợp nhất các ngành, nghề nhằm phản ánh rõ ràng, chính xác hơn bản chất, nội dung của ngành nghề đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng và thực hiện pháp luật của người dân, DN cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

Chuyên đề