Mánh rút ruột tiền tỷ của doanh nghiệp ngành than

(BĐT) - Một nhóm 7 lãnh đạo, cán bộ quản lý của Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin đã bị truy tố vì hành vi kê khống để lấy hơn 95 tỷ đồng. Vụ án này có lẽ cung cấp một lý do giải thích vì sao doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
Công ty Than Tây Nam Đá Mài đã nâng khống khối lượng vận chuyển để rút ruột tiền của TKV. Ảnh: Hoài Nam
Công ty Than Tây Nam Đá Mài đã nâng khống khối lượng vận chuyển để rút ruột tiền của TKV. Ảnh: Hoài Nam

Bản cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho thấy, trong giai đoạn 2009 - 2010, lợi dụng nhiệm vụ được giao, dàn lãnh đạo của Than Tây Nam Đá Mài đã lập báo cáo, chứng từ nâng khống khối lượng vận chuyển đất đá và than nguyên khai. Sau đó dùng hồ sơ báo cáo này để nâng khống số tiền quyết toán. Hậu quả là TKV đã phải thanh toán số tiền lớn hơn quy định tới 95 tỷ đồng.

Công ty CP Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin được thành lập từ năm 1999. Công ty này chủ yếu khai thác thu gom than, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ, vận tải hàng hóa. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nắm giữ 65,37% vốn điều lệ của Công ty.

Quá trình hoạt động, tại Công ty đã xảy ra các hành vi vi phạm. Cụ thể, Phạm Văn Hà, Giám đốc Công ty và một số thành viên của Hội đồng nghiệm thu và Ban khoán phí Công ty đã nâng khống số liệu vận chuyển đất đá, than nguyên khai.

Trong năm 2008, TKV và Than Tây Nam Đá Mài đã ký hợp đồng phối hợp kinh doanh về việc giao khoán khai thác than năm 2009, trong đó quy định về khối lượng, chất lượng, chủng loại, giá thành và các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ chủ yếu, bao gồm cả cung độ vận chuyển đất đá và than nguyên khai.

Khi triển khai thực hiện, Công ty có số liệu tính toán khối lượng đất bóc, trọng lượng than khai thác và các chỉ tiêu hệ số bóc, cung độ vân chuyển... dựa trên bản đồ thực hiện của giai đoạn trước. Số liệu tính toán này phải được so sánh đối chiếu với số liệu thực hiện ghi từ thiết bị giám sát, ghi phiếu... Cuối tháng, trên cơ sở đối chiếu và số liệu nghiệm thu than đất để tính toán khối lượng thực tế và từ đó lập biên bản nghiệm thu nội bộ. Biên bản nghiệm thu nội bộ này còn là cơ sở để quyết toán chi phí cho các công trường, phân xưởng theo định kỳ hàng quý, hàng năm.

Trong năm 2009, tổng khối lượng vận chuyển là hơn 29,2 triệu Tkm (số hàng luân chuyển được tính bằng tấn kilômét), trong đó khối lượng vận chuyển đất đá là hơn 27,4 triệu Tkm, cung độ vận chuyển đất đá là 1,57 km. Khối lượng vận chuyển than nguyên khai là 1,8 triệu Tkm, cung độ vận chuyển than nguyên khai bình quân gia quyền toàn Công ty là 2,4 km.

Tuy nhiên, khi đến kỳ báo cáo kết quả trình TKV kiểm tra, xác nhận, Phạm Văn Hà đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống cung độ bình quân gia quyền bằng cách đo cung độ từng vỉa trên bản đồ do các phân xưởng vận tải thực hiện. Số liệu này được dùng để tính khối lượng vận chuyển đất đá, than nguyên khai dẫn đến con số báo cáo bị nâng khống.

Trong giai đoạn 2009 - 2010, lợi dụng nhiệm vụ được giao, dàn lãnh đạo của Than Tây Nam Đá Mài đã lập báo cáo, chứng từ nâng khống khối lượng vận chuyển đất đá và than nguyên khai.
Cụ thể, cung độ vận chuyển đất đá bị nâng khống từ 1,57 km lên 2,29 km. Khối lượng vận chuyển đất đá thực hiện là 24,7 triệu Tkm nhưng báo cáo lên TKV là 39,8 triệu Tkm. Cung độ vận chuyển than nguyên khai là 2,4 km, nâng khống lên thành 2,48 km. Khối lượng vận chuyển than nguyên khai bị nâng từ 1,8 triệu TKm lên 1,86 triệu Tkm. Tổng cộng năm 2009, Than Tây Nam Đá Mài đã quyết toán với TKV hơn 450 tỷ đồng, trong đó bao gồm 39,1 tỷ đồng nâng khống.

Tương tự, năm 2010, công ty này tiếp tục nâng khống khối lượng vận chuyển đất đá và than nguyên khai, quyết toán với TKV số tiền hơn 903 tỷ đồng, trong đó có hơn 56 tỷ đồng nâng khống.

Số tiền nâng khống này được sử dụng để chi thêm lương, thưởng; chi bù lỗ cho chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... và đưa vào các quỹ như Quỹ thưởng Ban quản lý, điều hành, Quỹ khen thưởng, Quỹ đầu tư phát triển... Tại cơ quan điều tra, Phạm Văn Hà thừa nhận do muốn Công ty tăng doanh thu, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên nên đã nghĩ ra việc nâng khống thêm cung độ vận chuyển. Phạm Văn Hà thừa nhận việc chỉ đạo này là trái với các quy định của Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp, trái với các văn bản quy định của TKV, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước.

Tổng số tiền Phạm Văn Hà được hưởng lợi cá nhân là 741 triệu đồng, một số bị can khác như Đỗ Quang Hưng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu của Công ty hưởng lợi hơn 400 triệu đồng, Phạm Cao Nghĩa, Trưởng ban khoán phí hưởng lợi hơn 400 triệu đồng...

Với hành vi này, các bị can bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ khung hình phạt từ 5 - 15 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 - 5 năm.

Chuyên đề