Luật về PPP cần lường trước tình huống phát sinh

(BĐT) - Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc triển khai các dự án BOT, BT thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc là do hình thức đầu tư PPP phức tạp hơn đầu tư công truyền thống. 
Kết luận thanh, kiểm tra của nhiều bộ, ngành đã chỉ ra không ít vi phạm tại các dự án BT, BOT. Ảnh: Nhã Chi
Kết luận thanh, kiểm tra của nhiều bộ, ngành đã chỉ ra không ít vi phạm tại các dự án BT, BOT. Ảnh: Nhã Chi

Hơn nữa, việc xây dựng hành lang pháp lý về PPP vẫn chưa xét đến yếu tố đặc thù của loại hình đầu tư này, cũng như chưa lường trước được các tình huống phát sinh.

PPP khác với đầu tư công truyền thống

Kết luận thanh tra, kiểm tra của nhiều bộ, ngành được ban hành trong thời gian qua đã chỉ ra không ít khuyết điểm, vi phạm tại các dự án BT, BOT. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số chuyên gia và nhà đầu tư, việc các dự án BT, BOT “mắc lỗi” là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh khung pháp lý, các chủ thể liên quan đến dự án PPP vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tế.

Hiện nay, hành lang pháp lý về PPP vẫn đang phải chịu sự phụ thuộc của nhiều luật chuyên ngành trong suốt vòng đời dự án, trong khi những văn bản này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh hoạt động đầu tư công truyền thống hoặc đầu tư tư nhân. Chính vì thế, mặc dù 2 nghị định điều chỉnh trực tiếp hoạt động đầu tư theo hình thức PPP là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP đã được ban hành, nhưng cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư vẫn gặp không ít khó khăn do vướng vào nhiều quy định liên quan.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư cho biết, PPP không phải là đầu tư công truyền thống. Dự án PPP đòi hỏi sự góp vốn rất lớn của nhà đầu tư tư nhân. Nếu Nhà nước vẫn “đối xử” với dự án PPP như dự án đầu tư công truyền thống thì sẽ khó hấp dẫn được nhà đầu tư, làm mất đi cơ hội hợp tác của nhà đầu tư và Nhà nước.  

Cần tính đến yếu tố đặc thù

Mới đây, Chính phủ đã có đánh giá về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT. Chính phủ nhìn nhận, hình thức đầu tư PPP phức tạp hơn đầu tư công truyền thống; việc ban hành các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời hoặc chưa rõ ràng đã dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng. Đặc biệt, quá trình ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện các nghị định của Chính phủ chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế. Một số luật liên quan điều chỉnh các dự án PPP chưa xét đến tính đặc thù của đầu tư theo hình thức đối tác công - tư. 

Tại Văn bản số 4826/BKHĐT-GSTĐ gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đề cập đến những bất cập trong hành lang pháp lý về PPP hiện nay. Theo Bộ KH&ĐT, dự án PPP chủ yếu sử dụng nguồn vốn do nhà đầu tư huy động, nhưng vẫn phải thực hiện tất cả các trình tự, thủ tục chặt chẽ như các dự án sử dụng hoàn toàn bằng vốn đầu tư công là bất cập.

Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP; đồng thời đang lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư đối với định hướng xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Theo dự kiến, việc hoàn thiện khung pháp lý về PPP lần này sẽ xét đến các yếu tố đặc thù của đầu tư PPP, đảm bảo mục tiêu công và mục tiêu thu lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư. Khung pháp lý mới về PPP cũng hướng đến mục tiêu quản lý dự án PPP theo đầu ra thay vì quản lý theo đầu vào như các dự án đầu tư công truyền thống nhằm  nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án.

Chuyên đề