Luật sư của ông Danh đề nghị toà khấu trừ thiệt hại 4.500 tỷ

7 luật sư đều nêu ra bối cảnh phạm tội của thân chủ là nhằm cứu Ngân hàng VNCB trong tình trạng thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Phạm Công Danh sau phiên xử chiều ngày 22/1.
Ông Phạm Công Danh sau phiên xử chiều ngày 22/1.

Chiều 22/1, các luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) lần lượt trình bày quan điểm bảo vệ thân chủ về cáo buộc Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng của VNCB. Ông Danh bị đề nghị mức án cao nhất khung hình phạt - 20 năm tù.

Luật sư Trần Phương Lan (một trong 7 người bào chữa cho ông Danh) dẫn lại câu chất vấn của chủ tọa trước đó "tại sao bị cáo lại phải vay số tiền lớn như thế?" và cho rằng đây là mấu chốt vấn đề. Cần xem xét nguyên nhân, bối cảnh thân chủ phạm tội chứ không phải ông Danh sử dụng tiền đi vay vào mục đích cá nhân.

Theo luật sư, nguyên nhân xuất phát từ việc ông Danh đề nghị thành lập ngân hàng mới phục vụ lĩnh vực xây dựng, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đồng ý mà chỉ cho tái cơ cấu. Vì vậy ông Danh phải mua lại Ngân hàng Đại Tín – TrustBank của bà Hứa Thị Phấn khi đang thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Danh đã huy động tất cả tài sản, làm mọi cách để cứu ngân hàng, nhưng sự việc đã vượt quá tầm kiểm soát. "Trong số các bị cáo ngồi đây, tôi chưa nghe ai nói bị cáo Danh sử dụng tiền vào mục đích cá nhân", luật sư nói và cho biết thân chủ đã phải chi một khoản tiền rất lớn trả lãi ngoài cho khách hàng, dẫn đến sai phạm nên đề nghị HĐXX xem xét.

Luật sư Lan cũng đề nghị toà xem xét khoản tiền 4.500 tỷ đồng ông Danh tăng vốn điều lệ, để cấn trừ vào thiệt hại. Khoản tiền này chắc chắn nằm trong tài khoản của VNCB trước đây và CBank hiện tại. Trước đó, phía CBank cho rằng số tiền này đã hòa vào dòng tiền chung sau khi NHNN mua lại với giá 0 đồng, nên không còn.

Theo bà Lan, đây là số tiền không nhỏ, nó không thể tự mất đi mà phải có nguồn gốc, đường đi, báo cáo tài chính rõ ràng. Nếu việc ông Danh tăng vốn không được chấp nhận, phải trả lại tiền cho bị cáo.

"Theo quy định của pháp luật, 4.500 tỷ đồng mà các bị cáo chuyển vào tài khoản của VNCB nhưng chưa phải là tiền của ngân hàng. Số tiền này cần hạch toán vào khoản phải trả, nên việc CBank nói nó đã hòa vào dòng tiền chung của ngân hàng là trái quy định, là xâm phạm quyền lợi chính đáng của các bên", luật sư Lan nêu quan điểm.

"CBank không bị thiệt hại mà còn được hưởng lợi. Nếu không xem xét, thu hồi trả lại cho các bị cáo để khắc phục thiệt hại thì CBank sẽ được hưởng lợi kép. Bởi CBank vừa được sử dụng để tăng vốn điều lệ, vừa không phải trả lại, trong khi đó lại đòi bồi thường thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng", bà Lan nói thêm.

Cùng quan điểm, luật sư Hà Hải cùng hai luật sư khác cũng đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh phạm tội của ông Danh do muốn cứu VNCB khỏi tình trạng mất thanh khoản. Các luật sư cũng đề nghị thu hồi thêm các khoản tiền khác để khắc phục thiệt hại bao gồm: hàng trăm tỷ đồng ông Danh đã chuyển cho ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn và các khoản trả lãi quá hạn cho các ngân hàng. 

Là người cuối cùng bảo vệ cho ông Danh, luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư Hà Nội) đề nghị HĐXX xem xét các hành vi sai phạm của các bị cáo dẫn đến hậu quả một cách chính xác. Vì nó ảnh hưởng đến sự sống còn của các bị cáo.

Đối với giao dịch gửi tiền của VNCB tại ba ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank luật sư cho là không trái pháp luật. Bởi luật các tổ chức tín dụng không cấm cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm. Luật sư đề nghị loại bỏ một phần cáo trạng (trang 91).

"Nếu HĐXX cho đây là hành vi vi phạm quy định của pháp luật thì ngay lập tức hàng nghìn giao dịch trong hệ thống ngân hàng về việc thế chấp tiền gửi để vay tiền là sai pháp luật, gây nên nghịch lý trong hệ thống ngân hàng", luật sư Hải nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng, nếu không khấu trừ 4.500 tỷ đồng ra khỏi hơn 6.100 tỷ đồng thiệt hại thì sẽ phát sinh nhiều nghịch lý hơn. Thứ nhất, thị trường tiền tệ sẽ xuất hiện nghịch lý dòng tiền hòa chung sau đó hòa tan. Thứ hai, nếu khoản tiền này có nguồn gốc bất hợp pháp thì không phải thuộc về CBank, còn nếu không phải bất hợp pháp thì phải trả lại cho các bị cáo. Số tiền này cũng chưa bao giờ nằm trong túi tiền của ông Danh.

Việc không hoàn trả 4.500 tỷ đồng sẽ phát sinh vấn đề "cứ thay đổi pháp nhân thì không phải trả nợ". Trước đó, đại diện CBank cho rằng, thay đổi pháp nhân thì không liên quan đến khoản tiền 4.500 tỷ đồng là sai lầm, đề nghị HĐXX bác bỏ.

"Thiệt hại thực sự của vụ án chỉ cần lấy 6.126 tỷ trừ đi 4.500 tỷ là ra. Nhưng các cơ quan tố tụng không giải quyết mà cứ chờ. Như đại diện CBank nói chờ quyết định của NHNN, vậy thì chờ cho đến khi nào?", luật sư kết thúc bài bào chữa và mong HĐXX xem xét công bằng cho ông Danh.

Tự bào chữa cho mình, ông Danh cho biết "tin tưởng vào luật pháp". Bối cảnh tham gia tái cơ cấu ngân hàng chính là nguyên nhân dẫn ông đến hậu quả ngày hôm nay. "Bị cáo thừa nhận đã chủ quan, không kiểm tra kỹ. Khoản tiền 4.500 tỷ đồng tôi không nhớ chút nào do lúc đó anh Mai (bị cáo Phan Thành Mai) là người điều hành", ông Danh cho hay.

Với cáo buộc chỉ đạo cấp dưới sử dụng tiền của VNCB bảo đảm cho 29 lượt pháp nhân công ty do mình thành lập hoặc đi mượn các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng, ông Danh bị VKS đề nghị áp dụng mức án cao nhất của khung hình phạt 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế.

Trước đó, trong giai đoạn một của vụ án ông bị tuyên phạt 30 năm tù về cùng hành vi gây thất thoát 9.000 tỷ đồng của VNCB.

Chuyên đề