Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Điểm yếu thực thi

(BĐT) - Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã có hiệu lực gần tròn 1 năm, thế nhưng việc thực thi luật này vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tại các địa phương. 
Nói chưa đi đôi với làm khiến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đi vào cuộc sống. Ảnh: Lê Tiên
Nói chưa đi đôi với làm khiến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đi vào cuộc sống. Ảnh: Lê Tiên

Đốc thúc thực thi Luật trong năm tới với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền được xem là giải pháp để tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong việc đưa Luật vào cuộc sống, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DNNVV vươn lên trở thành động lực phát triển kinh tế.

Thực tiễn triển khai còn nhiều khó khăn

Đánh giá mức độ phát huy tác dụng chính sách hỗ trợ DNNVV sau khoảng 1 năm thực hiện Luật, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng không thể một sớm, một chiều. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành xây dựng kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay, 3 trong số 4 nghị định hướng dẫn Luật đã được ban hành. Công tác tập huấn và triển khai Luật đã được nhiều địa phương và hiệp hội DN triển khai…, tuy nhiên đã bộc lộ nhiều khó khăn, tồn tại trong khâu thực thi.

Đầu tiên là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh diễn ra không đồng đều giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành với nhau.

Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất theo quy định tại Điều 11 Luật Hỗ trợ DNNVV, việc bố trí quỹ đất tập trung cho DNNVV tại địa phương chưa được triển khai. Việc hỗ trợ, miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho DN bỏ vốn đầu tư bố trí khu làm việc tập trung, cơ sở ươm tạo cho DN đổi mới sáng tạo chưa được Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất.

Đối với hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN, mặc dù đã có Đề án về vấn đề này, song đến nay vẫn đang được các bộ, ngành cho ý kiến. Một số vướng mắc khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm chạp đã được Hiệp hội chỉ ra. Đó là, chính sách miễn thuế môn bài 3 năm, miễn lệ phí đăng ký theo quy định của Luật chưa đủ lợi ích để thu hút hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN; chính sách miễn, giảm thuế cho hộ kinh doanh chuyển thành DN chưa được áp dụng…

Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính lại nhìn nhận, rất nhiều DNNVV chưa khai thác hết kênh huy động vốn hiện có. “Hiện chúng ta có tới 6 nguồn (ngân sách nhà nước, vốn nước ngoài, thị trường vốn, đối tác, tín dụng, bảo lãnh) hỗ trợ. Bên cạnh đó, cho thuê tài chính cũng là một kênh quan trọng đối với DN thiếu tài sản bảo đảm, song DN lại “quên” mất các kênh này”, ông Lực nêu. Một số ý kiến khác bổ sung, thực tế, lượng DNNVV có nhu cầu hỗ trợ rất lớn, nhưng nhiều khi bản thân DN chưa định rõ được nhu cầu của mình là hỗ trợ về vốn hay kỹ thuật…

Tại Hội nghị đánh giá 1 năm thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV do Hiệp hội DNNVV Việt Nam tổ chức cách đây ít ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Khâu thực thi Luật đang rất yếu. Chúng ta nói nhiều, nhưng làm được không bao nhiêu”.

Trước đó (tháng 9/2018), trong Hội nghị quán triệt triển khai luật này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ cũng nhận diện 7 nhóm vấn đề lớn triển khai Luật như: Triển khai các chính sách thuế liên quan hỗ trợ DNNVV; chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN; DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… 

Đốc thúc thực thi tại địa phương

Tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh” với nhiều điểm yếu trong khâu thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Tới đây, thực thi Luật phải đi vào những cấp thực thi cụ thể. Năm 2018 đẩy mạnh ở cấp trung ương thì năm 2019 sẽ tăng tốc thực thi ở cấp tỉnh, cấp huyện và thậm chí cả cấp xã vào những vấn đề rất cụ thể với sự tham gia của công luận”.

Đề xuất giải pháp tăng tốc thực thi Luật, Hiệp hội DNNVV Việt Nam đưa ra 6 kiến nghị, trong đó tập trung vào việc tạo sức ép hành chính đủ mạnh và liên tục lên các bộ, ngành và địa phương triển khai ngay từ đầu năm. Cùng với đó, sớm có kế hoạch trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập DN, trong đó xác định mức thuế suất thông thường của DNNVV thấp hơn theo đúng tinh thần Luật; sớm ban hành chế độ kế toán, báo cáo thuế đơn giản cho DN nhỏ và siêu nhỏ…

Trước thềm năm mới năm 2019, kỳ vọng Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ hỗ trợ thực sự cho cộng đồng DN tại địa phương, ông Lại Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Lạng Sơn đề xuất, Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan cần đốc thúc tiến độ đưa Luật vào cuộc sống. “Vòng đời của một DN nhỏ, siêu nhỏ chưa chắc đã dài, nếu chính sách hỗ trợ có mà không được thực thi thì chưa chắc DN được hưởng”, ông Toản lo ngại.

Gần đây, một số ý kiến đề xuất thành lập “Ban chăm sóc sức khỏe DN”. Ông Lại Quốc Toản cho rằng, đây là ý tưởng hay, nhưng nếu thành lập một ban mới mà cách thức hoạt động của ban này không đi vào thực chất thì chỉ là phát sinh thêm đầu mối.

Đứng ở góc độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại cho rằng, các bộ, ngành cần tăng tốc tập trung xóa bỏ rào cản cho DN thông qua việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành một cách thực chất.

Chuyên đề