Lỏng lẻo thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính

(BĐT) - Sự lỏng lẻo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã và đang tác động lớn đến môi trường kinh doanh và niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Đánh giá mới đây của Bộ Tư pháp về công tác thi hành pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính và những động thái của TP.HCM từ vụ việc Quán Xin chào cho thấy rõ điều này.
Nhà nước đang thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất. Ảnh: Nhã Chi
Nhà nước đang thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất. Ảnh: Nhã Chi

Rắc rối chuyện “báo cáo ngành dọc”

Bộ Tư pháp cho biết, đơn vị này nhận được phản ánh của một số địa phương về việc đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Theo các địa phương, Thông tư số 10/2015/TT-BTP quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật có quy định: “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không tổng hợp số liệu của các cơ quan được quản lý theo hệ thống ngành dọc trong báo cáo gửi Bộ Tư pháp”. Từ đó, Bộ Tư pháp cho biết, một số cơ quan thực hiện quản lý theo ngành dọc tại địa phương cho rằng, không cần thiết tiếp tục gửi báo cáo cho Sở Tư pháp như trước đây.

Bộ Tư pháp khẳng định, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, UBND các cấp quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại đại phương”. Bên cạnh đó, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định: Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp huyện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình về Sở Tư pháp để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh.

Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND và Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong quản lý công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, dù hệ thống văn bản pháp luật về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiện nay đã hoàn thiện và hướng dẫn kịp thời, nhưng lĩnh vực này còn tồn tại rất nhiều bất cập do chính các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, Bộ Tư pháp đã phải có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình về Sở Tư pháp để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương.

Thiết lập kỷ cương trong xử phạt hành chính

Tình hình tuân thủ pháp luật chưa nghiêm từ cả hai phía, đặc biệt là từ phía cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, kinh doanh của TP.HCM.
Động thái mới nhất của TP.HCM sau khi đình chỉ các cá nhân liên quan đến vụ quán Xin Chào, được UBND TP.HCM cho biết, là sẽ thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại huyện Bình Chánh. Theo đó, UBND TP. HCM vừa có công văn giao Sở Tư pháp tham mưu cho Chủ tịch UBND Thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại huyện Bình Chánh hoặc tổ chức thanh tra nếu có căn cứ.

Rõ ràng, TP.HCM đang nhận thức rõ, việc lỏng lẻo trong quản lý, thực hiện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn cấp quận/huyện thời gian qua đã dẫn đến hậu quả rất xấu, ảnh hưởng vô cùng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá: “Vụ việc quán Xin Chào tác động rất lớn đến nỗ lực của Thành phố trong việc kêu gọi đầu tư, tạo môi trường cho người kinh doanh”.

Ông Phong cho biết “chỉ số minh bạch giảm từ hạng 4 xuống thứ 17” và đánh giá “đây là chỉ số thảm hại nhất” của TP.HCM trong thời gian qua. Thực tế đó đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng, phát triển kinh tế, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với chính quyền, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Tình hình tuân thủ pháp luật chưa nghiêm từ cả hai phía, đặc biệt là từ phía cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, kinh doanh của TP.HCM.  Sở Tư pháp TP.HCM nhận định, một trong các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cho TP.HCM là cần tăng cường kỷ cương trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực. Có như vậy mới không để xảy ra những vụ như Quán Xin chào, hay những sai phạm tương tự làm mất niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với TP.HCM.

Chuyên đề