Loại bỏ chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra

(BĐT) - Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, năm 2018, Thanh tra Bộ đã điều chỉnh cách thức xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và tổ chức các cuộc thanh tra theo chuyên đề trong lĩnh vực KH&ĐT, tập trung vào hoạt động đầu tư sử dụng vốn nhà nước (đầu tư công), việc cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, kiểm tra hành chính, đảm bảo kết quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra có sức lan tỏa tới nhiều đối tượng, góp phần xây dựng cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư công.
Năm 2019, Thanh tra Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp thanh tra diện rộng về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Trần Sơn
Năm 2019, Thanh tra Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp thanh tra diện rộng về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Trần Sơn

Theo Thanh tra Bộ KH&ĐT, nhờ điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra nên  đảm bảo được khả năng triển khai thực hiện cũng như loại bỏ chồng chéo trong nội dung thanh tra, kiểm tra với cơ quan kiểm toán và các cơ quan thanh tra khác, giúp kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Bộ có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao.

Cụ thể, năm 2018, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã triển khai 10 cuộc thanh tra, kiểm tra, gồm 2 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và 8 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ còn cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì, các đoàn kiểm tra của các đơn vị trong Bộ chủ trì; trình lãnh đạo Bộ ban hành 12 kết luận thanh tra, kiểm tra.

Qua 2 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã chỉ ra một số sai phạm, tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị được kiểm tra; yêu cầu thủ trưởng đơn vị được kiểm tra khắc phục những sai sót, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong việc quản lý, điều hành đơn vị.

Theo tổng hợp của Thanh tra Bộ KH&ĐT, trong năm 2018, thanh tra các sở KH&ĐT đã thực hiện 313 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tập trung vào các nội dung như: việc chấp hành pháp luật về đầu tư công tại các đơn vị, tổ chức ở địa phương; công tác quản lý và thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA thuộc phạm vi quản lý của địa phương và hoạt động đầu tư nước ngoài tại địa phương.
Đối với 8 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư công, việc cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại các địa phương, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã yêu cầu đối tượng thanh tra xuất toán; thu hồi, giảm trừ khi thanh, quyết toán và xử lý về mặt kinh tế với tổng số tiền 271 tỷ đồng, trong đó thu về ngân sách trung ương 10,1 tỷ đồng; thu về ngân sách địa phương  703,3 triệu đồng; giảm trừ khi quyết toán 31,2 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác về mặt kinh tế 229 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2018, Thanh tra Bộ đã tiến hành đôn đốc, thu hồi về ngân sách nhà nước tổng số tiền 12,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2018, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH&ĐT với tổng số tiền xử phạt là 100 triệu đồng.

Trong năm 2018, Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng đã tiến hành 3 cuộc kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra tại 3 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Phú Yên. Nhìn chung, việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra cơ bản nghiêm túc. Tuy nhiên, nhiều địa phương mới chỉ triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến kinh tế, chưa tiến hành xử lý về mặt hành chính đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra tồn tại, sai phạm nêu trong các kết luận thanh tra.

Thanh tra Bộ KH&ĐT cho biết, trong năm 2019, Thanh tra Bộ sẽ rà soát điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu các nhiệm vụ công tác của Bộ được Chính phủ giao trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Y tế triển khai cuộc thanh tra diện rộng về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Bộ cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh; các hành vi gây phiền hà, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho hoạt động của nhà đầu tư và của doanh nghiệp...

Chuyên đề