Lo ngại tập trung quyền lực

(BĐT) - Dự thảo lần 2 của Luật Quản lý ngoại thương khi được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các hiệp hội ngành hàng tại TP.HCM. 
Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương được đánh giá vẫn nặng về khâu quản lý mà chưa chú trọng phát triển hoạt động ngoại thương. Ảnh: Nhã Chi
Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương được đánh giá vẫn nặng về khâu quản lý mà chưa chú trọng phát triển hoạt động ngoại thương. Ảnh: Nhã Chi

Việc trao quá nhiều quyền cho Bộ Công Thương, đặc biệt là quyền cấp Giấy phép xuất nhập khẩu cho DN, khiến đa số DN lo ngại sẽ bị đối xử thiếu công bằng.

Cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương

Theo đánh giá mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương thời gian gần đây đã chặt chẽ, thông suốt, minh bạch và hiệu quả hơn, song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa phù hợp với bối cảnh mới, cần bổ sung, hoàn chỉnh. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Quản lý ngoại thương là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Tuy nhiên, Báo cáo tiếp thu, giải trình Dự án Luật hiện đang ghi nhận nhiều ý kiến còn khác nhau xung quanh trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương và vấn đề kiểm tra chuyên ngành.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, nhiều ý kiến cho rằng, thẩm quyền tập trung tại Bộ Công Thương quá nhiều, do đó cần bổ sung quy định theo hướng minh bạch, công bằng, có cơ chế kiểm soát, giám sát; cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành có liên quan; quy định rõ ràng và mạnh dạn phân cấp cho các địa phương để phát huy tốt vai trò trong quản lý ngoại thương.

Có chung băn khoăn, cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật, một số đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng, Dự thảo Luật đang nặng về khâu quản lý hoạt động ngoại thương, mà chưa chú trọng phát triển ngoại thương. Theo quy định tại Dự thảo Luật, Bộ Công Thương được quy định rất nhiều quyền, từ hàng hoá cấm xuất khẩu, nhập khẩu cho đến hạn ngạch xuất nhập khẩu, trong đó hạn ngạch đang là một khó khăn lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề kiểm tra chuyên ngành, ông Đặng Thái Thiện, đại diện Cục Hải quan TP.HCM nêu ý kiến, chính những yếu tố tiêu cực của kiểm tra chuyên ngành đang góp phần làm giảm sức cạnh tranh của DN và của quốc gia. Kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nếu bị lạm dụng sẽ khiến DN mất nhiều thời gian, chi phí. Chính vì vậy, nhiều DN kỳ vọng Dự thảo Luật sẽ có nhiều cải tiến, sửa đổi nhằm phát triển hoạt động ngoại thương, tăng sức cạnh tranh cho DN.

Chưa thể hiện vai trò của hiệp hội ngành hàng

Hội Cao su Nhựa TP.HCM cho rằng, Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương mới chỉ nhấn mạnh vai trò của bộ quản lý chuyên ngành, chưa quan tâm đến vai trò của các hiệp hội DN, thậm chí xuyên suốt Dự thảo Luật, vai trò của các hiệp hội gần như vắng bóng. Hệ lụy của vấn đề này, theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM là dễ nảy sinh lợi ích nhóm và đa số DN sẽ bị đối xử thiếu công bằng.

Đồng quan điểm này, đại diện Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM nhấn mạnh, Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương lần 2 vẫn đang trao quá nhiều quyền cho Bộ Công Thương. “Hạn ngạch trong xuất nhập khẩu là vấn đề nhạy cảm với mọi DN. Chúng tôi lo lắng khi quyền “áp dụng hạn ngạch” gần như được trao hết cho ngành công thương, mà không tham khảo ý kiến của bộ chuyên ngành khác, đặc biệt, không có ý kiến của các hiệp hội ngành – nơi am hiểu rõ nhất thị trường và hàng hóa trong lĩnh vực của mình”, đại diện Hội dẫn chứng.

Thừa nhận hạn chế này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm, Dự thảo Luật cũng đang nặng về quản lý khi trao cho Bộ Công Thương quá nhiều quyền, đặc biệt là việc cấp Giấy phép xuất nhập khẩu cho DN. Trong khi đó, vai trò của các hiệp hội ngành hàng chưa thực sự được coi trọng. Đây là nội dung cần phải được tiếp thu, giải trình rõ hơn.

Một hạn chế khác là báo cáo của cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật chưa có đánh giá cụ thể về toàn bộ các hoạt động kinh doanh của thương nhân nước ngoài, nhất là những thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam. Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, các thương nhân nước ngoài này mặc dù không có đại diện tại Việt Nam nhưng đã tiến hành những hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nên phải nộp thuế với lợi nhuận phát sinh. Vì vậy, Dự thảo Luật cũng nên đặt ra vấn đề phải quản lý thu thuế đối với các đối tượng này.

Theo Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, giấy phép trong hoạt động xuất nhập khẩu đồng nghĩa với hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được hiến định. Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu để tránh tình trạng hàng hóa, thiết bị lạc hậu vẫn được nhập về Việt Nam, vẫn trúng thầu; trong khi hàng hóa trong nước sản xuất được lại thiếu hành lang bảo vệ.

Chuyên đề