Lo hải quan khó dứt khỏi tiêu cực

(BĐT) - Việc Cục Hải quan An Giang xin giảm nhẹ tội cho 28 nguyên cán bộ đang được TAND TP.HCM đưa ra xét xử trong vụ đưa hối lộ, lừa đảo hoàn thuế đang làm dấy lên mối lo nạn tiêu cực trong ngành hải quan sẽ khó dứt nếu còn duy tình, dung túng.
Cải cách thủ tục hải quan hiện nay rất cần sự tham gia của doanh nghiệp để tạo sức ép nhằm giảm tiêu cực. Ảnh: Lê Tiên
Cải cách thủ tục hải quan hiện nay rất cần sự tham gia của doanh nghiệp để tạo sức ép nhằm giảm tiêu cực. Ảnh: Lê Tiên

Ai tin không “nhúng chàm”?

Lý lẽ mà Cục Hải quan An Giang bao biện là vụ án buôn lậu, lừa đảo hoàn thuế và đưa hối lộ xảy ra tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình (Cục Hải quan tỉnh An Giang) do chính Cục này chủ động phát hiện, ngăn chặn, các cán bộ hải quan hợp tác tích cực với phía điều tra. Do đó, đây là tình tiết để xem xét, giảm nhẹ tội danh cho các cán bộ công chức sai phạm.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ hồ sơ điều tra vụ án tại Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn, với nhóm đối tượng móc nối do Trần Thị Bích Tuyền chủ mưu, đưa hối lộ có “tính hệ thống” cho các công chức thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Khánh Bình để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế hơn 80 tỷ đồng thì liệu ai có thể thứ tha, giảm nhẹ cho nhóm cán bộ biến chất này?

Ở diễn biến khác, TAND tỉnh Kiên Giang cũng đang xét xử vụ lừa đảo hoàn thuế do Trần Hữu Thọ, Huỳnh Văn Trong chủ mưu mà có đến 10 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ hải quan ở tỉnh này. Nhưng hành vi của họ chỉ mới khép tội “thiếu trách nhiệm” vì buông lỏng quản lý, trong khi trước con số 93 tỷ đồng của Nhà nước bị bọn tội phạm hoàn thuế lừa đảo chiếm đoạt thì có ai tin các cán bộ hải quan không “nhúng chàm”?

Ngoài chuyện tiếp tay lừa đảo hoàn thuế, gần đây, thì tình trạng tiêu cực trong ngành hải quan vẫn là vấn đề đau đầu hiện nay, dù khâu thủ tục thông quan có cải thiện. Mới đây, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, theo xếp hạng về chi phí, tính cạnh tranh trong ngành logistics của Ngân hàng Thế giới (WB), ở khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 từ dưới đếm lên, chỉ hơn Indonesia, Lào, Campuchia.

Nguyên nhân chính của thứ hạng thấp này, theo ông Quang, là do tình trạng tham nhũng trong ngành hải quan Việt Nam mà ngay như một quốc gia lớn trong khu vực là Indonesia cũng chịu cảnh tương tự.

Hàng hoá là “con tin”

Tình trạng cán bộ giải quyết thủ tục hành chính có nhũng nhiễu, tiêu cực được xếp hàng thứ 5 trong 10 khó khăn lớn của DN khi thực hiện thủ tục hành chính.
Giới chuyên gia nhận định, nạn đút lót trong ngành hải quan dựa trên các thủ tục thiếu thông thoáng và không minh bạch đã làm chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp  (DN) Việt Nam cao thêm, là sự trói buộc và làm giảm tính cạnh tranh về chi phí cho DN.

Đó là chưa kể, nạn chia chác giữa một số cán bộ hải quan với phía DN để lách, trốn thuế làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN với nhau. Chẳng hạn, một mặt hàng hai công ty cùng nhập về, nhưng nếu một trong hai công ty có thông đồng với hải quan thì việc đánh thuế sẽ giảm đến 50%.

Ngay như chuyện phát sinh tiêu cực từ khâu thủ tục hải quan, gây khó khăn cho việc thực hiện chủ trương thuận lợi hoá thương mại trước hội nhập cũng là một vấn đề. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế thuộc Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một cuộc khảo sát cho thấy, tình trạng cán bộ giải quyết thủ tục hành chính có nhũng nhiễu, tiêu cực được xếp hàng thứ 5 trong 10 khó khăn lớn của DN khi thực hiện thủ tục hành chính.

Trong khi đó, giới DN xuất nhập khẩu thì cho rằng không hối lộ, móc nối với hải quan thì không được, vì hàng hoá là “con tin” trong tay hải quan và họ hiểu không ít cán bộ luôn muốn được “lãnh lương” cố định hàng tháng từ phía DN.

Chuyên đề