Làm quy hoạch phải vì lợi ích quốc gia

(BĐT) - Làm Luật Quy hoạch là phù hợp với xu thế, để giải quyết được những bất cập thì phải có sự thay đổi và khi có thay đổi sẽ có sự đụng chạm. 
Đa số ý kiến của UBTVQH đều cho rằng làm Luật Quy hoạch là rất cần thiết để khắc phục tình trạng băm nát quy hoạch hiện nay
Đa số ý kiến của UBTVQH đều cho rằng làm Luật Quy hoạch là rất cần thiết để khắc phục tình trạng băm nát quy hoạch hiện nay

Đụng chạm là bởi có thể ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan nào đó, một nhóm người nào đó, hoặc là do trì trệ, không muốn thay đổi, chưa hiểu hết nên chưa đồng tình.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi Dự thảo Luật Quy hoạch đưa ra thảo luận còn một số ý kiến trái chiều. 

Làm rõ hơn việc xử lý khi có mâu thuẫn giữa các quy hoạch          

Tại Phiên họp, đa số ý kiến của UBTVQH đều cho rằng làm Luật Quy hoạch là rất cần thiết để khắc phục tình trạng băm nát quy hoạch hiện nay. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nêu thực trạng thời quan qua quy hoạch như hoa nở rộ, chồng chéo, lãng phí. Vì vậy, Luật Quy hoạch ra đời sẽ chấn chỉnh được tình trạng này.

UBTVQH cũng làm rõ hơn việc xử lý trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp theo hướng nếu các quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu các quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu các quy hoạch vùng mâu thuẫn với nhau và quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp trên; trường hợp quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp quốc gia. 

Tuy nhiên, một số ý kiến chưa đồng thuận với Dự thảo Luật, đề nghị giữ lại nhiều quy hoạch của bộ, ngành. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị giữ lại quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi quốc gia, quy hoạch khai thác nguồn lợi thủy sản quốc gia, quy hoạch cơ sở giết mổ động vật, quy hoạch hệ thống các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông quốc gia...  Đại diện Bộ Công Thương mặc dù nhất trí cơ bản với Dự thảo Luật, nhưng lại đề nghị bổ sung thêm việc tiếp tục được lập quy hoạch ngành hóa chất vì đây là ngành quan trọng. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường thì lo lắng nếu Luật ban hành thì sẽ khó khăn cho Bộ trong việc thực hiện những quy hoạch Bộ đang được giao xây dựng, đồng thời cũng đề nghị giữ một số quy hoạch ngành.

Quy hoạch phải vì lợi ích quốc gia

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề với cơ quan soạn thảo, Luật này liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, lần thứ 2 ra UBTVQH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, tôi đã trực tiếp giải trình. Tôi hiểu, tất cả các đại biểu Quốc hội đồng tình rất cao, dư luận đồng tình rất cao”.

Bộ trưởng cho rằng, ý kiến trái ngược là bình thường, cái gì đúng thì bảo vệ, cái gì sai thì tiếp thu chỉnh sửa để chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, cần thống nhất nguyên tắc làm việc. Chính phủ đã bàn rất nhiều lần về việc xây dựng Dự thảo Luật, đầy đủ điều kiện mới trình UBTVQH. Cho nên, khi đã trình Quốc hội thì các ý kiến không chính thức của Chính phủ chỉ có tính tham khảo.

Bộ trưởng cũng nhắc lại quan điểm quy hoạch sản phẩm nên bỏ đi, cần giảm tính xin - cho khi làm quy hoạch, cần điều chỉnh, cái nào thực sự cần thì giữ, không thì bỏ. Mỗi bộ đề nghị giữ lại một số quy hoạch là không phù hợp. Bộ trưởng cũng cho biết, cơ quan soạn thảo đã tổng hợp tất cả các loại quy hoạch hiện có vào Dự thảo Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, phải sửa rất nhiều luật, nhưng thực chất không quá phức tạp. Hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang phối hợp với Bộ KH&ĐT làm việc với từng bộ để rà soát, sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Luật Quy hoạch rất cần thiết, kỳ tới phải trình ra Quốc hội để xem xét thông qua. Luật phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí khi ngành ngành tỉnh tỉnh quy hoạch mà không liên kết được với nhau. Tỉnh nào cũng sân bay, cảng biển, đầu tư rất lãng phí nhưng có cái rất cần đầu tư lại không có tiền để làm.

Chuyên đề