Khuất tất tranh chấp thương hiệu “giấy Vĩnh Tiến”

(BĐT) - Vụ góp vốn thành lập Công ty TNHH Vĩnh Tiến - TIE giữa Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến và Công ty CP TIE mới đây đã phát sinh tranh chấp thương hiệu “giấy Vĩnh Tiến” - một thương hiệu quen thuộc chuyên cung cấp tập vở học sinh. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Từ chuyện góp vốn

Năm 2014, Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến cùng Công ty CP TIE góp vốn thành lập Công ty TNHH Vĩnh Tiến - TIE (trụ sở đặt tại Hải Dương) nhằm đẩy mạnh thương hiệu Vĩnh Tiến tại các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tổng vốn điều lệ của Vĩnh Tiến - TIE là 30 tỷ đồng (TIE góp 14,7 tỷ đồng, tương đương 49% vốn điều lệ; Vĩnh Tiến góp 15,3 tỷ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ). Ông Lâm An Dậu, Tổng giám đốc Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến, làm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Tiến - TIE.

Đến tháng 12/2015, Vĩnh Tiến - TIE bổ sung thành viên góp vốn trên cơ sở Vĩnh Tiến chuyển nhượng một phần vốn góp cho Công ty CP Bao bì Tân Duy Lợi. Khi ấy, Vĩnh Tiến - TIE có 3 thành viên góp vốn là TIE (49%), Tân Duy Lợi (27,67%) và Vĩnh Tiến (23,33%).

Cuối tháng 5/2016, Vĩnh Tiến và Tân Duy Lợi chính thức thoái toàn bộ vốn góp khỏi Vĩnh Tiến - TIE. Lúc này, Vĩnh Tiến - TIE chỉ còn 2 thành viên góp vốn là TIE (sở hữu 90% vốn điều lệ) và 1 cá nhân (sở hữu 10% vốn điều lệ). Ngay sau khi hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng vốn góp, Vĩnh Tiến - TIE đã đổi thành tên Công ty TNHH Văn phòng phẩm TIE miền Bắc. Cần lưu ý, ông Lâm An Dậu chấm dứt tư cách Chủ tịch HĐTV Vĩnh Tiến - TIE kể từ ngày 5/4/2016, theo quyết định do chính ông Dậu đứng tên ký.

Vấn đề ở đây, từ tháng 7/2014 - 5/2016, Vĩnh Tiến - TIE có ký hợp đồng “Cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)” số 05/2014/HĐT-VTTIE ngày 23/9/2014 với Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến (“Hợp đồng thương hiệu”). Thời hạn hiệu lực của Hợp đồng thương hiệu là 10 năm. Tuy nhiên, sau đó, ông Lâm An Dậu, Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến lại có phản ánh về việc “TIE, TIE miền Bắc đã xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu “Vĩnh Tiến” và ông Lâm An Dậu là “nạn nhân” trong vụ này

Phá vỡ cam kết?

Ngày 7/10/2016, Giấy Vĩnh Tiến gửi Văn bản số 03/CV-VT-2016 cho TIE miền Bắc (tiền thân của Vĩnh Tiến - TIE), thông báo chấm dứt Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí).

Còn ông Lâm An Dậu, với tư cách cá nhân đã lập và ký phát hành văn bản (tháng 10/2016) có nội dung cho rằng, TIE miền Bắc đã vi phạm Hợp đồng thương hiệu nên Giấy Vĩnh Tiến đã chấm dứt hợp đồng và khẳng định việc TIE miền Bắc sử dụng nhãn hiệu “Vĩnh Tiến” gắn lên sản phẩm là vi phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu.

Ông Dậu có uỷ quyền cho Chi nhánh Công ty CP Sở hữu công nghiệp INVESTIP thay mặt ông gửi cho TIE văn bản ngày 11/10/2016 cho rằng, TIE đã xâm phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu “Vĩnh Tiến”, kèm văn bản là 2 Kết luận giám định cùng ngày 28/9/2016 của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ.

Trên thực tế, Giấy Vĩnh Tiến đã 1 lần gửi công văn ngày 8/6/2015 cho Vĩnh Tiến - TIE để đề nghị chấm dứt Hợp đồng thương hiệu, nhưng Vĩnh Tiến - TIE không đồng ý. Phía TIE đặt vấn đề, phải chăng ông Dậu đơn phương chấm dứt Hợp đồng thương hiệu từ ngày 8/6/2015 và “âm thầm” chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho TIE (90% vốn điều lệ tại TIE miền Bắc) để rồi quay lại “tố cáo” TIE, TIE miền Bắc xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu “Vĩnh Tiến” là có toan tính và không minh bạch?

Chuyên đề