Không sửa lỗi quy hoạch, tất yếu sẽ tụt hậu

(BĐT) - Sau 7 năm nghiên cứu khởi thảo, vượt qua nhiều ý kiến trái chiều, Luật Quy hoạch (QH) đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đồng hành cùng chặng đường dài gian nan ấy, PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, chia sẻ rằng, Luật QH được thông qua mới chỉ là thành công bước đầu, để Luật có ý nghĩa thực tiễn, đi vào cuộc sống thì còn rất nhiều việc phải làm. 

Không sửa lỗi quy hoạch, tất yếu sẽ tụt hậu ảnh 1
PGS.TS Trần Trọng Hanh
Luật QH được nghiên cứu, khởi thảo từ năm 2010 xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nào, thưa ông?

Sau hơn 30 năm đổi mới, công tác QH của nước ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc quản lý, điều hành các cấp, các ngành, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thu hút đầu tư và kiểm soát sự phát triển kinh tế - xã hội theo QH, kế hoạch.

Tuy nhiên, công tác QH cũng bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém, nổi trội hơn cả là hệ thống QH của nước ta. QH tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, QH xây dựng, QH sử dụng đất đã tồn tại một cách phân lập, thiếu sự gắn kết chặt chẽ, tạo ra nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột gây khó khăn trong quá trình quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Những hạn chế này dẫn đến hiệu quả công tác QH không cao, làm thất thoát, lãng phí lớn vốn đầu tư, tổn thất cho xã hội, thậm chí còn kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Xuất phát từ thực tế trên, ngày 16/1/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ/TW, trong đó chỉ đạo xây dựng Luật QH có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại QH phát triển trên phạm vi cả nước; tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung do một đầu mối chịu trách nhiệm. Cùng với đó, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện QH. Coi trọng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra thực hiện QH và xử lý nghiêm các vi phạm QH.

Ngày 30/5/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70/2014/NQ13 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015. Căn cứ nghị quyết trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, nghiên cứu soạn thảo Luật QH.

Dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhóm chuyên viên và chuyên gia đã đề xuất 3 ý tưởng xây dựng luật: Một là, kế thừa, hoàn thiện và tiếp tục phát triển hệ thống QH hiện hành; hai là, sắp xếp, điều chỉnh hệ thống QH hiện hành một cách logic và hợp lý; ba là, cải cách triệt để, đổi mới hệ thống QH theo hướng tích hợp, đa ngành. Phương án 3 đã được lựa chọn làm định hướng xây dựng luật. 

Luật đã phải mất một thời gian khá dài mới có được dự thảo cuối cùng để trình lên Quốc hội khóa XIV. Là người gắn bó với Luật QH từ những ngày đầu, ông có thể cho biết điều gì đã cản trở tiến trình xây dựng luật, khiến nó phải đi một chặng đường dài đến vậy?

Có 7 lý do dẫn đến sự kéo dài việc thông qua Luật QH.

Trước hết, đây là một dự án luật có tính cải cách, đổi mới triệt để, hướng tới sửa chữa những “lỗi” có tính hệ thống của hệ thống QH hiện hành. Nên việc nghiên cứu dự thảo luật phải đối mặt với 5 khó khăn lớn: Nội dung luật phải đáp ứng được các yêu cầu theo sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; phải có cơ sở khoa học, cập nhật được xu hướng phát triển công tác QH của thế giới, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa; phải tạo được sự đồng thuận cao; phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi từ một nước kém phát triển trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bên cạnh đó, lợi ích của các bộ, ngành bị ảnh hưởng vì mất đi vai trò chủ trì những dự án QH ngành, lĩnh vực và sản phẩm mà theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về mặt quản lý nhà nước đang được Chính phủ phân công, phân cấp. Bộ máy Chính phủ đang vận hành khá phù hợp và tương thích với thể chế QH hiện hành. Cơ chế và phương thức phối hợp liên ngành… trong việc lập QH theo hướng tích hợp, đa ngành còn khó khăn. 

Ông đã phải đối mặt với những ý kiến trái chiều nào?

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về Luật QH, có 3 nhóm ý kiến trái chiều gồm: Nhận thức và hiểu biết về hệ thống QH vẫn theo lối mòn, thói quen thực tế và cũ nên không cập nhật được xu hướng mới của thời đại. Đơn cử, nhiều ý kiến cho rằng, QH kinh tế là QH phi vật thể, còn QH xây dựng là QH vật thể không thể hợp nhất.

Ngoài ra, Luật QH còn đụng chạm đến việc sửa đổi trên 30 luật và pháp lệnh nên một số ý kiến cho rằng khó khả thi.

Để giải thích và làm rõ các nhóm ý kiến trên, nhóm soạn thảo đã áp dụng 3 cách tiếp cận: Có những đề tài nghiên cứu và kết quả của nó khẳng định những tồn tại, yếu kém, không hiệu quả đối với các loại QH trong hệ thống QH hiện hành của Việt Nam là có thực. Đây là bệnh hệ thống, nếu không sửa thì tất yếu sẽ “tụt hậu” và tự sa vào “bẫy trung bình”.

Cùng với đó, tổ chức các hội thảo, hội nghị với sự tham dự của các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm, qua đó đã chỉ ra những kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là xu hướng cải cách QH hiện nay của các nước. Nhờ đó khẳng định hệ thống QH hiện hành không còn phù hợp nữa.

Một chính sách mới chỉ thành công khi chính sách đó phù hợp với ý chí và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của đại đa số nhân dân và nó phải thực sự cần thiết cho công cuộc chấn hưng đất nước. Ngoài ra, chính sách đó còn phải bảo đảm có cơ sở khoa học, cập nhật được xu thế của thời đại và đảm bảo tính hiệu quả, khả thi. 

Theo ông, đâu sẽ là thách thức, khó khăn đối với quá trình thực thi Luật?

Để đưa Luật QH vào cuộc sống, thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt để triển khai Luật với nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Các bộ, ngành phải tập trung mọi nỗ lực sửa đổi các luật liên quan đến QH; nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản dưới Luật để hướng dẫn thi hành; tổ chức tập huấn, nâng cao sự hiểu biết về Luật QH, nội dung phương pháp lập QH. Đồng thời, tổ chức triển khai lập một số đề án và dự án QH như: Đề án phân vùng lãnh thổ; QH quốc gia; QH vùng; QH tỉnh và một số đặc khu kinh tế với sự trợ giúp của tổ chức quốc tế.

Một điểm quan trọng nữa là cần tổ chức đào tạo chuyên gia QH, đặc biệt chú trọng việc đào tạo thường xuyên cho những đội ngũ chuyên gia đã có kinh nghiệm thực tiễn; có chương trình đào tạo dài hạn trong các trường đại học.

Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự trợ giúp của quốc tế và các nước có kinh nghiệm trong việc lập, thẩm định các dự án QH quan trọng, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia và tài trợ tài chính.                       

Chuyên đề