Hủy án vụ tranh chấp hợp đồng giữa IBS và PVME

Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam hoàn thành và đưa vào sử dụng gần 7 năm nay nhưng tranh chấp giữa nhà thầu là Công ty cổ phần Cơ điện dầu khí Việt Nam (PVME) và đơn vị thi công Công ty cổ phần Giải pháp tòa nhà thông minh (IBS) vẫn chưa chấm dứt.
Hủy án vụ tranh chấp hợp đồng giữa IBS và PVME

Dự án tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam (địa chỉ 167 Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nằm ở phía tây Hà Nội, với nhiều làn đường giao thông kết nối theo các trục hướng phía Tây, Đông, Nam và trung tâm kinh tế, hành chính cũ của Thành phố.

Chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), tổng mức đầu tư 937 tỷ đồng, quy mô 17 tầng nổi và 2 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng hơn 50.000 m2 sàn. Công ty cổ phần Cơ điện dầu khí Việt Nam (PVME) là nhà thầu phụ, cung cấp lắp đặt hệ thống điện nhẹ, giá trị thực hiện 60,7 tỷ đồng.

Năm 2010, PVME ký hợp đồng với Công ty cổ phần Giải pháp tòa nhà thông minh (IBS) thi công hạng mục lắp đặt hệ thống quản lý tòa nhà BMS, hệ thống điều khiển chiếu sáng EIB. Giá trị hợp đồng là 10 tỷ đồng. PVME đã thanh toán 8,8 tỷ đồng và còn nợ 2 tỷ đồng.

Cho rằng đối tác chây ỳ trả nợ, IBS khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân quận Ba Đình. Bản án sơ thẩm đã tuyên buộc PVME phải thanh toán số tiền nợ gốc và lãi chậm thanh toán là hơn 3 tỷ đồng.

PVME không đồng tình với quyết định trên và kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Trong đơn khởi kiện, IBS cung cấp 2 chứng cứ quan trọng là biên bản nghiệm thu bàn giao nội bộ ngày 16/4/2011 và biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/12/2012. IBS cho rằng, công việc đã hoàn thành nên PVME phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ theo hợp đồng.

Dẫn chiếu hai biên bản trên và các điều khoản hợp đồng kinh tế, PVME khẳng định, công trình có 100% vốn nhà nước, việc nghiệm thu, bàn giao buộc phải có sự tham gia của chủ đầu tư là PVN.

Tuy nhiên, hồ sơ đưa không có chữ ký, con dấu xác nhận của PVN. Biên bản này không đáp ứng quy định tại Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình và Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

Mặt khác, hệ thống BMS do IBS cung cấp không tương thích hệ thống của tòa nhà. PVN không nghiệm thu và thanh toán hạng mục này.

IBS hứa hẹn đưa ra giải pháp để khắc phục sự cố kết nối với hệ thống. Ngày 20/1/2016, PVME có công văn yêu cầu IBS kiểm tra toàn bộ công trình để làm cơ sở quyết toán. Hợp đồng vẫn đang thực hiện nên chưa phát sinh nghĩa vụ thanh toán và lãi chậm trả.

Đồng thời, PVME có đơn phản tố yêu cầu IBS phải trả lãi phạt tối đa 12% giá trị hợp đồng do vi phạm hợp đồng.

Theo IBS, hợp đồng 2 bên chỉ là một công việc, hạng mục xây dựng. Căn cứ vào khoản 3, Điều 25 Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình, thành phần trực tiếp nghiệm thu chỉ cần có sự tham gia của người phụ trách giám sát thi công công trình hoặc đại diện tổng thầu.

Ngày 16/4/2011, biên bản nghiệm thu có sự tham gia đầy đủ của đại diện giám sát công trình của chủ đầu tư, nhà thầu chính, nhà thầu phụ và xác nhận hệ thống của IBS đảm bảo chất lượng, đưa vào sử dụng.

Quá trình xét xử phúc thẩm còn cho thấy, hợp đồng kinh tế trong hồ sơ là bản phô tô, không có điều khoản 8 nhưng có mục 8.1. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa yêu cầu đương sự cung cấp hợp đồng kinh tế gốc để đối chiếu.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm - Tòa án nhân dân TP. Hà Nội nhận định, các bên thỏa thuận giá trị hợp đồng là 10,1 tỷ đồng gồm thuế VAT, bảo hiểm hàng hóa tới chân chương trình, giao hàng, kết nối hệ thống, nghiệm thu bàn giao cho chủ đầu tư.  Như vậy, nếu việc kết nối hệ thống chưa tương thích thì IBS chưa hoàn thành công việc, tòa sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán là chưa thỏa đáng.

Sau khi xem xét lại vụ án, mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội quyết định hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Tòa nhà Viện Dầu khí Việt Nam được khánh thành năm 2010 và đưa vào sử dụng gần 7 năm nay nhưng tranh chấp giữa nhà thầu PVME và đơn vị thi công IBS vẫn chưa có hồi kết. Bên lề phiên tòa, có ý kiến cho rằng IBS đã khá “vội vã” khi khởi kiện vụ việc ra tòa án, trong khi các bên có thể ngồi lại để tìm hướng giải quyết “êm đềm” hơn.

Chuyên đề