Hồ sơ dự thầu và bảo đảm dự thầu có hiệu lực bằng nhau

(BĐT) - Nội dung hiệu lực HSDT và bảo đảm dự thầu được quy định tại Khoản 42 Điều 4 và Khoản 4 Điều 11 Luật Đấu thầu...
Hồ sơ dự thầu và bảo đảm dự thầu có hiệu lực bằng nhau

Hỏi: Theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Luật Đấu thầu, thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu (HSDT), hồ sơ đề xuất cộng thêm 30 ngày. Như vậy, trường hợp nhà thầu chào hiệu lực bảo đảm dự thầu bằng hiệu lực HSDT thì cần được xem xét như thế nào?

Tổ chuyên gia đang đánh giá HSDT một gói thầu thuộc dự án điện lực. HSMT quy định HSDT của nhà thầu phải có hiệu lực tối thiểu 40 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu (ngày 22/12/2016). Bảo đảm dự thầu của nhà thầu phải có hiệu lực không ít hơn 70 ngày kể từ ngày 22/12/2016.

Trong HSDT nhà thầu ghi thời gian có hiệu lực của HSDT là 60 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Bảo đảm dự thầu đính kèm HSDT của nhà thầu ghi thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu là 70 ngày kể từ ngày 22/12/2016.

Trong trường hợp này, hiệu lực của HSDT và bảo đảm dự thầu có được coi là đáp ứng yêu cầu của HSMT hay không? 

Trả lời: Nội dung hiệu lực HSDT và bảo đảm dự thầu được quy định tại Khoản 42 Điều 4 và Khoản 4 Điều 11 Luật Đấu thầu. Theo đó, thời gian có hiệu lực của HSDT là số ngày được quy định trong HSMT và được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong HSMT. Từ thời điểm đóng thầu đến hết 24 giờ của ngày đóng thầu được tính là 01 ngày. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong HSMT bằng thời gian có hiệu lực của HSDT cộng thêm 30 ngày. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trường hợp hiệu lực của HSDT, hiệu lực của bảo đảm dự thầu không đáp ứng yêu cầu của HSMT thì HSDT sẽ bị đánh giá là không hợp lệ.

Đối với tình huống trên, khi HSMT quy định thời gian có hiệu lực của HSDT tối thiểu 40 ngày và thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu không ít hơn 70 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu thì việc nhà thầu chào thời gian có hiệu lực của HSDT 60 ngày và thời gian hiệu lực của bảo đảm dự thầu 70 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu phải được đánh giá đáp ứng yêu cầu của HSMT về thời gian có hiệu lực của HSDT và bảo đảm dự thầu.

Trở lại quy định tại Khoản 4 Điều 11 Luật Đấu thầu, quy định này được hiểu là áp dụng cho bên mời thầu, chủ đầu tư khi xây dựng HSMT. Chẳng hạn, khi đã quy định hiệu lực HSDT là 40 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu thì cần quy định hiệu lực của bảo đảm dự thầu là 70 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Các yêu cầu về hiệu lực nêu trong HSMT sẽ được đem ra đối chiếu khi đánh giá HSDT; theo đó, hiệu lực HSDT, bảo đảm dự thầu được coi là đáp ứng yêu cầu nếu không ngắn hơn quy định ghi trong HSMT mà không xét đến việc cái này phải dài hơn cái khác 30 ngày.                

Chuyên đề