Hai ngân hàng giành nhau tài sản thế chấp: Viện kiểm soát đứng về Agribank

Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Dương Thanh Cường lừa đảo chiếm đoạt 1.127 tỉ đồng của Agribank Việt Nam ngày hôm qua (10/5), đại diện Viện Kiểm sát cấp cao thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, có căn cứ để chấp thuận một phần nội dung kháng cáo của Agribank liên quan đến 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì ngân hàng Phương Nam đã nhận thế chấp sai quy định.
Hai ngân hàng giành nhau tài sản thế chấp: Viện kiểm soát đứng về Agribank

Cùng một tài sản (23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), doanh nghiệp đem thế chấp tại Agribank để vay vốn  sau đó lại lừa dối ngân hàng, mượn lại số giấy tờ này đem thế chấp tại ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) để vay tiếp tiền và vàng.

Cụ thể,  Agribank chi nhánh 6 là ngân hàng đã nhận tài sản đảm bảo trước đối với 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. 23 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này được Công ty Thanh Phát (Dương Thanh Cường làm giám đốc) thế chấp cho Agribank trong khoản vay 628 tỷ đồng của Công ty để thực hiện mục đích thanh toán tiền nhận chuyển nhượng đất của các hộ dân.

Do 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh chưa được sang tên trước bạ, nên khi làm thủ tục thế chấp cho Agribank chi nhánh 6 đã không thể thực hiện công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi nhận thế chấp, Agribank chi nhánh 6 đã thông báo thông tin tài sản thế chấp trên mạng của Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC) theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước: Quyết định số 897/2001/QĐ-NHNN, ngày 02/8/2001 về khai thác, sử dụng thông tin tín dụng điện tử và Quyết định số 1117/2004/QĐ-NHNN, ngày 08/9/2004 về Quy chế hoạt động thông tin tín dụng (Bút lục 15991-15994 Hồ sơ).

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mọi tổ chức tín dụng khi quyết định tiếp nhận tài sản thế chấp buộc phải kiểm tra. Thế nhưng, ngân hàng Phương Nam vẫn nhận 23 giấy chứng nhận trên mà không tìm hiểu thông tin trên mạng CIC là sai quy định.

Việc các bị cáo Dương Thanh Cường, Lê Sơn Hùng lừa đảo Agribank chi nhánh 6 bằng chiêu thức mượn lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh để hoàn thiện thủ tục sang tên trước bạ nhưng Dương Thanh Cường đã đem đi thế chấp tiếp tục vay vốn tại Ngân hàng Phương Nam đã được Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh công nhận "Ngay khi lừa dối chi nhánh 6 lấy được tài sản thế chấp Dương Thanh Cường và Lê Sơn Hùng đem đến Ngân hàng Phương Nam làm thủ tục thế chấp vay tiền" (trang 17 Bản án sơ thẩm hình sự số 392/2015/HSST, ngày 05/11/2015).

Xác định 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tang vật vụ án do Cường lừa dối lấy từ Agribank chi nhánh 6, dùng để lừa đảo Ngân hàng Phương Nam vay tiếp tiền nên Cơ quan điều tra đã có quyết định kê biên.

Tương tự như vậy, Dương Thanh Cường với tư cách là Giám đốc Công ty Tấn Phát mượn lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ đã thế chấp tại Agribank chi nhánh 6 để hoàn thiện thủ tục. Thực tế là Dương Thanh Cường cũng đã đem đi thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam. Án sơ thẩm đã nhận định rằng Thái Cường và Dương Thanh Cường gian dối để lừa đảo Agribank chi nhánh 6.

Tuy nhiên, tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành phán quyết: "… hủy bỏ quyết định kê biên tài sản là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả lại cho Ngân hàng Phương Nam"; rằng, "Ngân hàng Phương Nam đã tất toán các hợp đồng tín dụng có liên quan… không có cơ sở để thu hồi trả cho Agribank chi nhánh 6" là chưa phù hợp với nội dung đã được xem xét, nhận định và chưa đúng với thực tế và hồ sơ vụ việc.

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, ngày 19/11/2015, Agribank đã có Đơn kháng cáo Bản án hình sự sơ thẩm ngày 05/11/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về 2 phán quyết liên quan đến 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở xã Phong Phú, Bình Chánh và tài sản là quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ với mong muốn được Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xem xét một cách thấu đáo, tránh gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước.

Viện Kiểm sát cấp cao thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án ngày 10/5/2016 cũng cho rằng: “Đối với nội dung kháng cáo của Agribank, Viện Kiểm sát xét thấy có căn cứ để chấp nhận một phần kháng cáo. Theo quan điểm của Viện Kiểm sát thì 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vật chứng của vụ án, Ngân hàng Phương Nam nhận thế chấp các tài sản này là không đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, cần phải tiếp tục kê biên đảm bảo thi hành án và khắc phục thiệt hại cho Agribank”.

Hôm  nay (11/5), Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án trên.

Chuyên đề