Hà Văn Thắm: “Bà Phấn nợ bị cáo một lời cám ơn”

Theo nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm, bà Phấn (bị cáo Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đầu tư và phát triển Phú Mỹ) nợ bị cáo một lời cám ơn, vì nếu Hà Văn Thắm không giới thiệu Phạm Công Danh mua lại Ngân hàng Đại Tín, thì người đứng trước vành móng ngựa là bà Phấn chứ không phải ông Phạm Công Danh.
Hà Văn Thắm: “Bà Phấn nợ bị cáo một lời cám ơn”

Chấp nhận bị cách chức nếu phát hiện sai phạm

Sáng 5/9, đại diện Viện kiểm sát đã tham gia thẩm vấn các bị cáo và người liên quan.

Đại diện Viện kiểm sát đặt vấn đề là người lãnh đạo cao nhất của ngân hàng, khi Thông tư 02/2011/NHNN ngày 3/3/2011 quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam được ban hành và có hiệu lực, thì mọi ngân hàng trong hệ thống phải tuân thủ và bị cáo Thắm cũng phải tuân thủ.

Giải trình thêm về việc chi lãi ngoài, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, trong hoàn cảnh lúc đó, Thông tư 02 là biện pháp chống lạm phát nên có phần phi thị trường. Khi đó, 80% thị trường đều như vậy, Oceanbank là ngân hàng nhỏ không làm thì mất thanh khoản.

“Khi Thông tư 02 có hiệu lực, có quy định nếu vi phạm lãnh đạo ngân hàng bị cách chức 3 năm. Thực tế, có ngân hàng bị thanh tra, phát hiện chi vượt trần và lãnh đạo bị cách chức. Vì vậy, bị cáo không ý thức được vi phạm mà chỉ nghĩ là vi phạm hành chính. Bị có biết là chi sai nhưng vì bắt buộc không làm thì vỡ hệ thống. Bị cáo chấp nhận nếu bị phát hiện thì bị xử lý cách chức”, bị cáo Hà Văn Thắm nói.

Trước biện giải này của bị cáo Hà Văn Thắm, vị đại diện Viện kiểm sát lưu ý bị cáo Thông tư 02 là biện pháp của Chính phủ để ổn định thị trường, chống lạm phát nên không thể nói là phi thị trường hay không.

Với việc xử lý vi phạm, còn do phát hiện và đánh giá hậu quả ở mỗi ngân hàng. Ở Oceanbank, ngân hàng thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước phải mua lại 0 đồng để ổn định hệ thống, không xáo trộn thị trường nên không thể so sánh được, khập khiễng.

Đại diện Viện Kiểm sát cũng nhấn mạnh, việc chi lãi ngoài cho hơn 200 tổ chức và phần lớn đều là các tổ chức đều có vốn nhà nước. Tiền chi lãi ngoài không được hạch toán mà để ngoài sổ sách kế toán thì mức độ rủi ro, vấn đề khắc phục hậu quả khác.

"Chi vượt trần không chứng từ, biên nhận và chủ yếu chi cho các tổng giám đốc, kế toán trưởng đút túi cá nhân. Việc làm của các bị cáo tạo khe hở cho những người có trách nhiệm ở tổ chức kinh tế trục lợi chứ không chỉ là chăm sóc khách hàng bình thường", đại diện Viện kiểm sát nói.

“Bà Phấn nợ bị cáo một lời cám ơn”

Trở lại khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung, trước câu hỏi về khoản “tiền công” 800 tỷ đồng mà Phạm Công Danh phải trả để được nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín, bị cáo Hà Văn Thắm khẳng định, đây là chi phí bị cáo đã chi cho Ngân hàng Đại Tín, không phải tiền công. Sau này, bị cáo đã trả lại 500 tỷ đồng cho Phạm Công Danh, có chứng từ chuyển tiền, đã nộp cho cơ quan điều tra.

Khi giới thiệu Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh, bị cáo Thắm đã nói với Phạm Công Danh ý định mua để sáp nhập vào Oceanbank nhưng bị cáo không đủ khả năng để làm. Còn Ngân hàng Đại Tín xấu như thế nào thì người ta đi mua tự đánh giá.

“Bị cáo có nói với bà Phấn là ngân hàng rất xấu. Bị cáo nghĩ, bà Phấn nợ bị cáo lời cám ơn vì nếu không có bị cáo thì ngồi trước vành móng ngựa là bà Phấn chứ không phải ông Danh”, bị cáo Thắm nói.

Trước đó, trình bày về lời khai của bà Phấn đối với việc cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng, Hà Văn Thắm khẳng định, bị cáo không gọi cho bà Phấn, cũng không biết trước mục đích vay vốn để hỗ trợ thanh khoản cho Ngân hàng Đại Tín.

“Chỉ có một lần bà Phấn gọi điện cho bị cáo và có nói là bà Phấn đã cho ông Danh mượn tài sản, hồ sơ khoản vay đã ở trên bàn bị cáo và nhờ bị cáo ký duyệt”, Hà Văn Thắm trình bày.

Chuyên đề