Hà Nội: Giám định viên vắng mặt, tạm dừng phiên toà “buôn bán mì chính giả”

Dù được Hội đồng xét xử triệu tập đến tham gia quá trình xét xử tại tòa nhưng giám định viên của vụ “mua mì chính giả làm đám cưới con, còn thừa mang bán” bị khởi tố đã vắng mặt không lý do. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên tòa và “chưa quyết định thời gian làm việc, xét xử vào lần tới” .
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” sáng 22/10 đã bị hoãn lại
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” sáng 22/10 đã bị hoãn lại

Sáng 22/10, TAND Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Đào Thị Lương (SN 1961, trú tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” quy định tại khoản 1, điều 193, Bộ luật Hình sự 2015. Trước đó, sáng ngày 18/10, Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa để triệu tập điều tra viên và giám định viên.

Trước khi bắt đầu xét xử, thư ký phiên tòa cho biết, điều tra viên Lê Văn Phước - người trực tiếp tiến hành các thủ tục tố tụng giải quyết vụ án hình sự đối với bị can Đào Thị Lương, đã có mặt theo giấy triệu tập của Hội đồng xét xử. Đối với giám định viên Nguyễn Đình Tuấn - Phó Trưởng phòng 4, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), người trực tiếp nhận mẫu giám định, hiện vật giám định mở niêm phong và ra kết luận giám định trong vụ án vắng mặt không lý do.

Việc giám định viên không có mặt theo giấy triệu tập của Hội đồng xét xử, bị cáo Đào Thị Lương, chị Nguyễn Hồng Nhung (con dâu bị cáo) cùng hai luật sư bào chữa đã đề nghị phiên tòa tiếp tục được tiến hành.

Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát Thị xã Sơn Tây nhận thấy, việc giám định viên vắng mặt có thể ảnh hưởng đến việc xét hỏi tại phiên tòa đối với chứng cứ của vụ án. “Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điều 294 và điều 297 - Bộ luật Tố tụng hình sự hoãn phiên tòa” - đại diện viện kiểm sát nói.

Sau 5 phút hội ý, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa do trước đó, tại phiên tòa ngày 17/10, bị cáo Lương và chị Nhung có trình bày không được chứng kiến mở niêm phong nên cho rằng kết luận giám định không khách quan.

“Ngày hôm nay, Hội đồng xét xử chưa quyết định thời gian làm việc, xét xử vào lần tới. Khi có lịch xét xử vào lần phiên tòa tiếp theo, Hội đồng xét xử sẽ công bố và thông báo để những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng” - Chủ tọa Hoàng Đức Hiếu nói.

Trước đó, bị cáo Đào Thị Lương khai tại toà: Thời điểm bị lập biên bản, bà không hề biết số mỳ chính đó là thật hay giả. Ban đầu, bà Lương mua số mỳ chính từ một người tên là Tuyên về làm đám cưới cho con trai. Do không sử dụng hết, bà đã mang một phần ra chợ bán, chỗ còn lại để ở nhà sử dụng.

Đến ngày 18/12/2016, tại phiên Chợ Mộc, khi bà chuẩn bị thu dọn đồ để ra về thì có một người phụ nữ tên là Hồng đến hỏi mua hàng và thuê chở giúp số hàng, sau đó sẽ trả 100 nghìn tiền công. Đúng lúc đó, chị Nhung (con dâu Lương) đi đến nên đã nhận chở hộ bà.

Khi giao hàng xong xuôi thì bị tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế - Công an Thị xã Sơn Tây làm nhiệm vụ gần đó phát hiện và bắt giữ.

Theo phân tích của các luật sư tại phiên toà, kết quả giám định không khách quan khi không có sự chứng kiến của bị cáo hoặc người thân. Việc cơ quan điều tra tách hành vi của bà Nguyễn Thị Tuyên ra khỏi vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Hơn nữa, theo Nghị quyết của Quốc hội và quy định của TAND Tối cao về việc áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, bị cáo Lương cần áp dụng theo điều 157, Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.

Cụ thể, các luật sư dẫn văn bản của Bộ Y tế quy định mỳ chính thuộc danh mục phụ gia, không phải thực phẩm. Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 không quy định người buôn bán, sản xuất phụ gia giả là tội phạm. Chính vì thế hành vi này đã được “hình sự hóa” nếu truy tố theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 - có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Sự việc đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận địa phương.

Chuyên đề