Gỡ 3 nút thắt lớn nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(BĐT) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tạo trên 60% việc làm, đóng góp trên 30% ngân sách nhà nước, chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư của toàn bộ khu vực DN nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn, cần sự hỗ trợ từ xã hội và Nhà nước. 

Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được mặt bằng sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, để gỡ khó cho khu vực này cần tập trung hỗ trợ tiếp cận tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thưa Thứ trưởng, tiếp cận tín dụng là một trong những rào cản lớn nhất mà DNNVV đang gặp phải. Vậy Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV giải quyết vấn đề này như thế nào?

Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV quy định, các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn thông qua thiết kế lãi suất vay, thời gian cho vay, điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với đặc điểm, quy mô DN, đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu của DNNVV.

 Đối với vốn thông qua các quỹ, Dự án Luật quy định 2 quỹ tài chính của Nhà nước (Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở các tỉnh, thành phố). Trên thực tế, các quỹ này đã được thành lập và hoạt động, song kết quả chưa đạt như kỳ vọng của cộng đồng DNNVV, chưa trở thành công cụ hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho DNNVV. Do đó, Dự thảo Luật điều chỉnh các quỹ này theo hướng kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, bổ sung chức năng cho Quỹ Phát triển DNNVV.

Gỡ 3 nút thắt lớn nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh 2
Thứ trưởng Đặng Huy Đông
Mặt bằng sản xuất kinh doanh cũng là một trong những khó khăn lớn đối với DNNVV, thưa Thứ trưởng?

Thực tế cho thấy, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn tồn tại nhiều năm qua của DNNVV, nhưng đến nay chưa có biện pháp tháo gỡ hiệu quả. Theo thống kê, quỹ đất công nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao có tỷ lệ lấp đầy chiếm khoảng 50%; các cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy chiếm khoảng trên 60% nhưng chủ yếu là cho DN lớn. DNNVV vẫn khó tiếp cận mặt bằng trong các khu, cụm công nghiệp.

Nhằm tạo cơ chế cho DNNVV có điều kiện vào các khu, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, Dự thảo Luật đưa ra một số ưu đãi cụ thể, chủ yếu thông qua cơ chế về thuế, tiền thuê đất cho DN. 

Kết quả điều tra DNNVV năm 2015 vừa được công bố cho thấy, DNNVV cũng đang gặp không ít trở ngại trong việc tiêu thụ sản phẩm?

Việc tạo điều kiện cho DNNVV tham gia mua sắm chính phủ vừa có vai trò dẫn dắt, giúp DN Việt Nam tạo lập vị thế và dần tiến tới cung cấp được cho thị trường bên ngoài, hướng tới xuất khẩu. Dự thảo Luật cũng có những quy định nhằm tạo sân chơi dành cho nhà thầu là DN nhỏ, siêu nhỏ và ưu đãi đối với nhà thầu chính trong trường hợp nhà thầu chính sử dụng thầu phụ là DNNVV. Quy định này cũng góp phần thúc đẩy hình thành liên kết kinh doanh và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, trong nhiều dự án lớn về hạ tầng, xây dựng các công trình, luôn có các phần công việc mà nhà thầu là DNNVV hoàn toàn có thể đảm đương tốt với giá thành hợp lý và cạnh tranh, chẳng hạn như về phần mềm hoặc giải pháp công nghệ thông tin; sản xuất các phụ kiện, chi tiết nhỏ… Tại nhiều nước, DNNVV tự tin đóng vai trò là nhà thầu tại những hợp đồng mua sắm lớn của chính phủ. 

Các chuyên gia đánh giá, Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV có mối quan hệ chặt chẽ với Luật Đấu thầu. Thứ trưởng có thể thông tin cụ thể về nội dung này?

Khoản 3 Điều 14 Luật Đấu thầu quy định, DN nhỏ thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi khi tham gia đấu thầu trong nước để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp và được cụ thể hóa trong Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu. Đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng, chỉ cho phép nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu.

Để mở rộng hơn nữa phạm vi hỗ trợ, đồng thời vẫn tương thích với Luật Đấu thầu, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV quy định theo hướng, gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và gói thầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ có giá gói thầu không quá 3 tỷ đồng do các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm công chỉ dành cho nhà thầu là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Như vậy, Dự thảo Luật hoàn toàn thống nhất với quy định của Luật Đấu thầu, bổ sung đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, dịch vụ có giá gói thầu không quá 3 tỷ đồng chỉ dành cho DNNVV tham gia.

Xin cám ơn Thứ trưởng!               

Chuyên đề