Giang Kim Đạt khai bị bức cung

Sáng nay trong phiên phúc thẩm, bị cáo Giang Kim Đạt (cựu trưởng phòng Vinashin - Vinashinlines) phủ nhận những lời nhận tội trước đây.

Tại phiên phúc thẩm do TAND Cấp cao tại Hà Nội, trong khi Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines) trả lời thẩm vấn, bị cáo Trần Văn Liêm (cựu tổng giám đốc Vinashinlines), Trần Văn Khương (cựu kế toán trưởng Vinashinlines) được cách ly sang phòng khác.

Giang Kim Đạt bị án sơ thẩm tuyên mức phạt tử hình với cáo buộc tham ô 260 tỷ đồng khi thương thảo việc Vinashinlines mua và cho thuê tàu. Trong số này, Đạt đưa ông Liêm 150.000 USD, còn lại chuyển vào 22 tài khoản của bố đẻ để mua khoảng 40 bất động sản, mua đi bán lại 13 chiếc ôtô.

Trước vành móng ngựa, Đạt khai những tài sản mình có được phần lớn nhờ việc kinh doanh thuận lợi. Bị cáo đầu tư mua bất động sản ở nước ngoài, trong đó có hai căn nhà ở Singapore. Sau khi bán một căn ở đây, bị cáo mua bất động sản ở Anh.

Đạt phủ nhận trước đây có khai ông Liêm chỉ đạo khi mua tàu phải chia phần trăm cho sếp. Chủ tọa công bố bản cung về lời khai này song Đạt nói: "Bị cáo có khai thế nhưng là lời khai không đúng sự thật. Bị cáo bị bức cung". Đạt trình bày đã viết tường trình theo hướng dẫn của điều tra viên và tự "thêm thắt" cho phù hợp với nội dung này.

"Đối với việc mua tàu, bị cáo khai rất rõ quy trình. Điều tra viên không thể biết được để hướng dẫn khai", chủ tọa chất vấn. Đạt đáp, công ty không có quy trình mua tàu. Công ty cũng không có trách nhiệm trả tiền cho người môi giới mà bên bán trả hoa hồng cho người môi giới

Chủ tọa nói lúc bị bắt theo lệnh truy nã, bị cáo sức khỏe tốt, cuối các bản cung đều cam đoan lời khai đúng và chịu trách nhiệm. "Nếu lời khai tại cơ quan điều tra của bị cáo là khách quan, đó là căn cứ xem xét thái độ thành khẩn của bị cáo. Tòa mong bị cáo khai cho thành khẩn", chủ tọa nói.

"Bị cáo khẳng định lại, tiền chuyển về tài khoản của bố đẻ Giang Văn Hiển có phải tiền hoa hồng mua tàu không?", chủ tọa hỏi. Giang Kim Đạt cho hay đó là tiền hợp pháp, tiền thưởng tự nguyện của bên bán cho người môi giới.

"Vậy vì sao tiền gửi về lại ghi là "tiền hoa hồng" và "cước phí thuê tàu"?", VKS hỏi. Đạt nói ghi như thế nào là "do lý trí" của các công ty này.

Tòa sau đó đọc lời khai của ông Hiển tại cơ quan điều tra, cho thấy Đạt nhờ bố đẻ mở tài khoản để chuyển tiền về, vì thu nhập này là bất hợp pháp. Ông Hiển mở tài khoản để che giấu cho Đạt vì khi đó, con trai đang là trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines. Chủ tọa cũng cho hay, cơ quan điều tra không thể mớm cung cho ông Hiển khai về việc yêu cầu vợ ông mở thêm tài khoản để san sẻ số tiền con trai chuyển về. Nghe xong, Đạt vẫn cho rằng "bố đẻ khai không đúng sự thật".

Về khoản 150.000 USD đưa cho ông Liêm, Đạt giải thích do có "lộc" nên đưa sếp cùng hưởng, nói rõ là tiền thưởng của công ty môi giới bán tàu. Đạt cho rằng theo thông lệ quốc tế, người bán tàu phải trả phí môi giới, còn công ty môi giới cho ai là quyền của họ. Sau mỗi thương vụ Vinashinlines mua bán tàu, một vài tháng sau, bên môi giới sẽ chuyển tiền "lại quả" cho bị cáo.

VKS cho rằng, bị cáo có liên hệ thì bên công ty môi giới mới chuyển tiền. Còn Đạt khai việc được nhận tiền là do bị cáo có quan hệ tốt. Bị cáo không thỏa thuận trước với các công ty môi giới này, tuy nhiên trong hai con tàu Vinashinlines mua đầu tiên thì có "xin họ" tiền.

Khi HĐXX yêu cầu lý giải vì sao lại bỏ trốn trong khi "không có sai phạm", Đạt nói nghe báo chí đưa tin anh ta có ký nháy trong hồ sơ mua con tài Hoa Sen, dù không liên quan nhưng lo sợ nên trốn sang Campuchia theo đường tiểu ngạch tại biên giới tỉnh Tây Ninh. Tại đây, bị cáo làm hộ chiếu giả để sang Singapore.

Chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.

Ngày 17-18/8, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo kêu oan của của Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines, bị kết án tử hình), Trần Văn Liêm (nguyên tổng giám đốc Vinashinlines, án tử hình), Trần Văn Khương (nguyên kế toán trưởng Vinashinlines, án chung thân).

Ông Giang Văn Hiển (bố Đạt, án 12 năm tù) kháng cáo cho rằng tiền trong tài khoản của mình không phải do phạm tội mà có.

Là nguyên đơn dân sự, em gái Đạt là bà Giang Thu Vân đòi lại 21 bất động sản bị tòa sơ thẩm kê biên, tịch thu đảm bảo thi hành án. Hai công ty Vinashinlines và Vinalines cũng kháng cáo cho rằng họ mới là nguyên đơn dânsự, không phải Vinashin như nội dung của bản án sơ thẩm.

Chuyên đề