Giang Kim Đạt được giúp sức trốn truy nã ở nước ngoài thế nào

Sợ sự việc chiếm đoạt 260 tỷ đồng của Vinashinlines bại lộ, Giang Kim Đạt đã nhờ một nhóm người làm hộ chiếu giả.
Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm, Trần Văn Khương (từ trái qua) tại phiên tòa phúc thẩm.
Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm, Trần Văn Khương (từ trái qua) tại phiên tòa phúc thẩm.

Ngày 24/1, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố Thái Thị Hồng Điệp (41 tuổi)về các tội Làm giả tài liệu cơ quan tổ chức (điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999) và Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài (Điều 275 Bộ luật Hình sự 1999).

Liên quan vụ án, Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh (35 tuổi) và Nguyễn Thái Sơn (47 tuổi, cùng ở TP HCM) bị cáo buộc về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Theo cơ quan công tố, từ năm 2006 đến 2008, lợi dụng chức vụ Quyền trưởng phòng kinh doanh, Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines), Đạt đã chiếm đoạt gần 260 tỷ đồng từ chênh lệch mua bán tàu, chênh lệch gửi giá cước cho thuê tàu.

Sợ sự việc vỡ lở, ngày 20/6/2008, Đạt chấm dứt hợp đồng lao động với Vinashinlines và có ý định cùng gia đình trốn ra nước ngoài định cư. Cuối tháng 7/2010, Đạt thông qua Quỳnh (chị họ) nhờ Sơn giúp thực hiện ý định trên.

Sơn nhờ Điệp nhận lời làm các thủ tục để Đạt định cư tại Canada. Điệp nói nếu không đi thẳng từ Việt Nam thì sẽ đưa Đạt qua Campuchia rồi tiếp tục đi. Chưa thực hiện được ý định “bay xa” thì Đạt nhận được tin Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã bắt tổng Giám đốc Vinashin. Vì lo sợ bị bắt, Đạt định bỏ trốn sang Campuchia trước.

Đạt sang Camphuchia bằng đường tiểu ngạch tại tỉnh An Giang và Điệp đã nhờ chị gái đang sống tại Campuchia đón và bố trí chỗ ăn, ở cho Đạt. Vụ này, Điệp nhận 10.000 USD.

Nhằm giúp Đạt thành một người khác để tiếp tục sang nước thứ ba, Điệp đã lấy ảnh của Đạt dán vào chứng minh nhân dân của một thanh niên quê Hòa Bình, thuê nhờ làm hộ chiếu với giá 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, để cấp được hộ chiếu cần có sổ tạm trú dài hạn KT3 cho người đăng ký và cần có xác nhận của của công an nơi tạm trú vào tờ khai xin cấp hộ chiếu. Song, bằng mối quan hệ, Điệp đã làm được hộ chiếu cho Đạt dưới tên mới là Bùi Đức Thắng.

Điệp còn lo lót thủ tục Đạt với tên giả đứng tên làm đại diện một công ty "ma" tại Campuchia... và được trả công gần 140 triệu đồng.

Cơ quan công tố cáo buộc, nhờ sự giúp sức của Điệp và những người khác, Đạt đã sử dụng hộ chiếu giả để đi lại giữa Campuchia và Singapore, đồng thời mua một số tài sản tại nước ngoài.

Quá trình điều tra, nhà chức trách phát hiện, Đạt còn sử dụng hộ chiếu giả mang tên Nguyễn Thị Cúc để 10 lần xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu Mộc Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo bản án, thông qua việc mua ba con tàu, và cho thuê chín tàu, bị cáo Đạt đã chiếm đoạt 260 tỷ đồng hoa hồng của Vinashinlines. Số tiền này, Đạt đưa cho ông Trần Văn Liêm (tổng giám đốc Vinashinlines) 150.000 USD, còn lại chuyển vào 22 tài khoản của bố đẻ Giang Văn Hiển. Khi sự việc bị phát hiện, Đạt trốn ra nước ngoài sống sung túc, mua thêm nhà. Năm năm sau, anh ta bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế.

Trong số tiền có được, ông Liêm đưa cho kế toán trưởng Trần Văn Khương 110.000 USD.

Ngày 18/8, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kêu oan, tuyên y án sơ thẩm Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm cùng mức án tử hình tội Tham ô.

Trần Văn Khương (nguyên kế toán trưởng Vinashinlines) tù chung thân về cùng tội danh. Với cáo buộc Rửa tiền, ông Giang Văn Hiển (bố đẻ của Đạt) bị y án 12 năm tù.

Chuyên đề