Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: Xu hướng mới

Thời gian gần đây, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày một phổ biến trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Vận dụng tốt cách làm này có thể hạn chế và xử lý tốt “cục máu đông” nợ xấu.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài: Xu hướng mới

Tại hội thảo “Những cơ hội và thách thức khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thông qua hòa giải và trọng tài” ngày 6/6, ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, hiện nay, các vụ kiện tụng tại tòa án thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn.

Việc rút ngắn thời gian xử lý các vụ án theo Bộ luật Tố tụng dân sự kỳ vọng giảm xuống 300 ngày. Nhưng thực tế, điều này vẫn là tính toán trên lý thuyết, toà án đang quá tải, thẩm phán có quá nhiều công việc. Hòa giải thương mại đang trở thành giải pháp tốt và được ưa chuộng.

Trên thực tế, từ năm 2010 đến nay, Luật Phá sản đã được ban hành, một loạt thiết chế được hình thành và cải thiện. Mới đây, Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi, song các vụ kiện tụng tại tòa án thường kéo dài và rất phức tạp, tốn kém. Việc giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án luôn ở trong tình trạng quá tải, dẫn đến tăng số lượng vụ án tồn đọng.

Nhìn ra các nước, hành lang pháp lý của họ cũng chưa hoàn hảo, nhưng thông lệ giải quyết lại rất hiệu quả để giải quyết tranh chấp. Khi nói đến ngân hàng và các định chế tài chính, hòa giải luôn được các nước trên thế giới ưu tiên hàng đầu. Hòa giải đã phổ biến hơn nhiều trong lĩnh vực ngân hàng khi giải quyết thu nợ, nợ xấu. Hiện các khách hàng đều mong muốn sử dụng hệ thống hòa giải trong tranh chấp nhiều hơn so với tòa án như trước đây.

Luật sư, trọng tài viên Trương Thanh Đức cho rằng, giải quyết tranh chấp ngân hàng gần như thay đổi toàn bộ cục diện kể từ khi các quy định pháp luật về trọng tài thương mại ra đời. Cùng với Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại và sự chuyển biến tích cực quy định về hòa giải trong Bộ luật Tố tụng dân sự vừa qua, có thể đặt niềm tin vào sự thay đổi mang tính hoàn thiện hơn trong giải quyết tranh chấp tài chính - ngân hàng

Theo ông Phan Trọng Đạt - Phó tổng thư ký VIAC, thành viên Viện trọng tài London, thời gian giải quyết tranh chấp là tiêu chí quan trọng khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Hiện tại, thời gian trung bình giải quyết án kinh doanh thương mại của tòa án là 400 ngày. Thời gian trung bình giải quyết án kinh doanh thương mại của VIAC là dưới 200 ngày (năm 2015 là 154 ngày, năm 2016 là 153,6 ngày), trong đó có vụ giải quyết trong 24 ngày. Kỳ vọng, thời gian trung bình giải quyết theo thủ tục rút gọn tại VIAC là dưới 100 ngày.

Các yếu tố giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết tranh chấp, theo ông Đạt gồm: bản chất tranh chấp không quá phức tạp; sự thiện chí, nỗ lực và kinh nghiệm tham gia tố tụng của các bên; khả năng chuyên môn và kinh nghiệm của trọng tài viên; sự chuyên nghiệm của ban thư ký trong hỗ trợ và điều phối quá trình tố tụng.

Đây là lý do khiến trước đây, tuy chưa chính thức ban hành một thủ tục rút gọn nhưng trong thực tiễn VIAC đã vận hành thành công những thủ tục giải quyết tranh chấp chỉ trong 24 - 49 ngày.

Cũng tại hội thảo, giáo sư Michael Hwang S.C. - cố vấn cao cấp, Tòa án tối cao Singapore cho biết, việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài so với tố tụng toà án có nhiều ưu điểm như: bảo mật; tiết kiệm chi phí; lựa chọn diễn đàn, trọng tài viên, luật sư tư vấn; tính linh hoạt và chuyên môn của hội đồng trọng tài; phán quyết trọng tài được thực thi xuyên biên giới - 157 quốc gia đã phê chuẩn Công ước New York 1958 (Công ước về Công nhận và Thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài); cho phép tuỳ chỉnh thủ tục trọng tài phù hợp với điều kiện cụ thể.

“Hoà giải là bước đầu tiên trước khi chuyển sang tố tụng trọng tài. Các toà trọng tài khuyến khích sử dụng trung gian hoà giải sau khi làm quen với một vụ việc cụ thể. Để làm được điều này, cần có sự ủng hộ của cả toà án và nhà nước”, giáo sư Michael Hwang S.C. nhấn mạnh.

Chuyên đề