Dứt khoát cơ quan cạnh tranh phải độc lập về cơ cấu tổ chức

(BĐT) - Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến về việc tổ chức lại cơ quan quản lý cạnh tranh bằng việc đề xuất thành lập Ủy ban cạnh tranh Quốc gia.
Hội thảo Mô hình cơ quan cạnh tranh trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Bộ Công Thương Tổ chức sáng ngày 19/5, tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thủy
Hội thảo Mô hình cơ quan cạnh tranh trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Bộ Công Thương Tổ chức sáng ngày 19/5, tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thủy

Theo đề xuất, Ủy ban là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập trên cơ sở sáp nhập Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia kinh tế.

Bộc lộ bất cập trong mô hình tổ chức

Tại Hội thảo Mô hình cơ quan cạnh tranh trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) do Bộ Công Thương Tổ chức sáng ngày 19/5, tại Hà Nội, bà Trần Phương Lan, Trưởng phòng Giám sát cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, sở dĩ Dự thảo Luật đề xuất mô hình mới là theo Luật Cạnh tranh năm 2004, Việt Nam có 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh gồm: Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh. Tuy nhiên, theo bà Lan, sau hơn 12 năm thực thi, các quy định về mô hình, địa vị pháp lý, cơ chế hoạt động cơ quan cạnh tranh như hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Cụ thể, về mô hình gồm hai cơ quan thực thi, 4 cấp xử lý đã gây kéo dài quy trình tố tụng và thời gian giải quyết vụ việc cạnh tranh, trung bình khoảng 3 năm cho mỗi vụ việc. Thêm vào đó, mô hình 2 cơ quan thực thị với sự phân tán nguồn lực khiến cho việc giải quyết vụ việc cạnh tranh chưa tập trung, kết quả giải quyết vụ việc luôn đi sau và không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, cơ chế kiêm nhiệm trong hoạt động của các thành viên Hội đồng cạnh tranh đã dẫn đến sự thiếu tập trung trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh.

Về địa vị pháp lý, bà Lan cho hay, qua lấy ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế về vấn đề này, hầu hết các ý kiến đều đưa ra quan điểm, cơ quan cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương không đảm bảo vị thế, tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh do Bộ Công Thương là bộ chủ quản của nhiều DN, tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước. “Với địa vị pháp lý như hiện nay, cơ quan cạnh tranh rất khó để điều tra, xử lý đối với vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước cấp tương đương”, bà Lan nói.

Kết quả nghiên cứu mô hình cơ quan cạnh tranh các nước trên thế giới của Cục Quản lý cạnh tranh cũng chỉ ra, hiện trên thế giới có 136 quốc gia có chính sách về cạnh tranh. Để thực thi chính sách này, các cơ quan cạnh tranh này hoạt động theo mô hình hoạt động một cơ quan hay nhiều cơ quan với địa vị  pháp lý độc lập hoặc trực thuộc. Nghiên cứu chỉ ra, trong số 136 quốc gia nêu trên thì có 9 quốc gia có mô hình 2 cơ quan, trong đó có Việt Nam, còn lại là mô hình tổ chức thiết kế 1 cơ quan.

Từ những bất cập nêu trên trong tổ chức mô hình  cơ quan thực thi cạnh tranh của Việt Nam, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thiết kế mô hình cơ quan cạnh tranh chỉ gồm 1 cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Cơ quan này là cơ quan thuộc Chính phủ và do Chính phủ thành lập và làm việc theo chế độ Thủ trưởng.

Với mô hình mới, Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng sẽ giúp khắc phục được những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh, đồng thời đảm bảo tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.

Góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường cạnh tranh

Cho ý kiến về đề xuất thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Bất cập lớn nhất hiện nay trong thực thi chính sách cạnh tranh không phải là cơ quan này thuộc bộ hay thuộc Chính phủ. Theo ông Tuyển, trên thế giới hiện nay có tới 31 cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc bộ, 35 cơ quan thuộc Chính phủ nhưng người ta thực thi chính sách vẫn rất tốt. Như vậy, rõ ràng không có mô hình nào chiếm được ưu thế tuyệt đối mà đi theo điều kiện kinh tế cụ thể của từng quốc gia, trong đó có bản lĩnh của người đứng đầu của cơ quan này trong việc thực thi nhiệm vụ. Thực tế cho thấy, hiện Bộ Công Thương quản lý rất nhiều doanh nghiệp, trong khi lại thực thi về chính sách cạnh tranh nên tạo ra sự xung đột lợi ích làm giảm tính hiệu lực thực thi chính sách.

“Đây là một trong những bất cập trong mô hình tổ chức, cần thiết phải được thiết kế sửa đổi nhằm đảm bảo tính độc lập của cơ quan này để đảm bảo pháp luật về cạnh tranh được thực thi một cách hiệu quả”, ông Tuyển nêu quan điểm. Vị nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng tán thành đề xuất thành lập Ủy ban cạnh tranh là cơ quan thuộc Chính phủ thay vì trực thuộc Bộ Công Thương như hiện nay.

Tán thành cao quan điểm cơ quan cạnh tranh phải độc lập để đảm bảo chính sách cạnh tranh được thực thi hiệu quả, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương bày tỏ: “Trong nền kinh tế thị trường cơ quan này rất quan trọng, thiếu cơ quan này chắc chắn không đảm bảo kinh tế thị trường vận hành một cách lành mạnh”. Tuy nhiên, theo ông Cung, nếu cơ quan cạnh tranh trực tiếp tục thuộc Bộ không thể độc lập được bởi thực tế đã chứng minh rất rõ hiện các bộ vẫn vừa làm chính sách vừa thực hiện chức năng điều tiết thị trường nên tính chất cạnh tranh, công bằng của chính sách cạnh tranh hao hụt. Vì thế, chúng ta phải tách bạch mô hình tổ chức của cơ quan này chứ không thể để tình trạng như hiện nay.

“Hãy mạnh dạn vứt nhiều thứ để những thứ mới xuất hiện nhằm tạo lập một nền kinh tế thị trường thực sự cạnh tranh”, ông Cung dứt khoát.

Trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học liên quan như: Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Viện Nhà nước và pháp luật; Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; Viện Khoa học pháp lý thuộc Bộ Tư pháp; Trường Đại học Ngoại thương; Đại học Quốc gia Hà Nội…cũng tán thành đề xuất xây dựng mô hình cơ quan cạnh tranh độc lập về tổ chức.

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, Luật Cạnh tranh năm 2004 đã trải qua 12 năm thực thi, ảnh hưởng và những tác động nhất định đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, do nhiều lý do khác nhau nên ảnh hưởng của Luật Cạnh tranh còn nhiều hạn chế, trong đó có nội dung về mô hình và địa vị pháp lý khiến hiệu lực thực thi của Luật chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó, tất cả mọi người đều mong muốn có Luật Cạnh tranh thật tốt để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

Chuyên đề