Đưa tư duy đời sống doanh nghiệp vào luật

(BĐT) - Ngày 4/10/2016, tại TP.HCM, Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh đã tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật từ đại diện các doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam. 
Các quy định tại Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư về thời điểm giới thiệu địa điểm đầu tư cho nhà đầu tư đang không thống nhất. Ảnh: Tiên Giang
Các quy định tại Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư về thời điểm giới thiệu địa điểm đầu tư cho nhà đầu tư đang không thống nhất. Ảnh: Tiên Giang

Mục tiêu minh bạch toàn bộ quá trình thực hiện dự án nhằm gia tăng niềm tin của các DN vào môi trường đầu tư, kinh doanh được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.

Độ vênh còn rất lớn

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Phan Đức Hiếu cho biết, những nội dung không tương thích giữa các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh thời gian qua chính là tác nhân gây khó khăn cho hoạt động của DN. Theo ông Hiếu, trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Ban soạn thảo đã đề xuất sửa 9 luật và hơn 20 thủ tục hành chính đang có hiệu lực. Đề xuất này nhằm mục đích khắc phục những bất cập đang tồn tại giữa các quy định hiện hành.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, chỉ riêng nội dung về quyết định chủ trương đầu tư đã thể hiện sự không thống nhất giữa các quy định. Đầu tiên, đó là sự chồng chéo trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi một số địa phương chỉ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư một lần, thì một số địa phương khác vẫn yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện quy trình thủ tục này hai lần theo quy định của Luật Nhà ở.

Sự không thống nhất còn thể hiện tại các quy định của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư quy định về thời điểm giới thiệu địa điểm đầu tư cho nhà đầu tư. Cụ thể, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở quy định giới thiệu địa điểm đầu tư trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Xây dựng lại không quy định trình tự thực hiện thủ tục này. Do đó, có trường hợp, địa phương này thực hiện thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư cho nhà đầu tư trước thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, còn địa phương khác lại thực hiện sau khi có quyết định chủ trương đầu tư. Thậm chí có địa phương lại lồng ghép thủ tục giới thiệu địa điểm thực hiện dự án vào thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá: “Chỉ riêng thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư đã cho thấy độ vênh rất lớn giữa các luật. Điều này khiến DN, đặc biệt là DN nước ngoài, vẫn luôn quan ngại về chất lượng ban hành chính sách của chúng ta”. 

Đưa tư duy đời sống doanh nghiệp vào luật

Một nội dung được nhiều DN quan tâm khi tham gia góp ý cho Dự thảo Luật là việc chuyển nhượng dự án hiện nay còn quá nhiều điều kiện ngặt nghèo làm giảm cơ hội chuyển nhượng dự án cho đối tác có khả năng.

Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các nhà đầu tư quan tâm đến chuyển nhượng dự án gặp nhiều khó khăn, ngoài nguyên nhân do thời hạn triển khai dự án bị rút ngắn vì việc bàn giao mặt bằng sạch kéo dài, còn do thủ tục xác định nhu cầu sử dụng đất không thống nhất về thời điểm thẩm định hồ sơ đầu tư và thời điểm thẩm định hồ sơ xác định nhu cầu sử dụng đất. Ngoài ra, sự chồng chéo trong thủ tục xin cấp phép chuyển nhượng dự án bất động sản giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản cũng đang gây khó khăn cho không ít DN khi muốn chuyển nhượng dự án.

Kết quả rà soát đầu tư kinh doanh đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất của Nhóm nghiên cứu thuộc CIEM cũng cho thấy, khung pháp luật về hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn tồn tại rất nhiều bất cập làm cản trở các nhà đầu tư tiếp cận thị trường, nguồn vốn và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển.

Một trong những bất cập đó là sự chồng chéo, không rõ ràng của các quy định tại các luật như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Bất cập này làm hạn chế tính tích cực của nhiều chế định luật nhằm khuyến khích đầu tư, làm gia tăng tiêu cực trong việc thi hành pháp luật.

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, để chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh có tính đồng bộ, thống nhất và tạo thuận lợi nhất cho cộng đồng DN, chúng ta cần xây dựng Luật trên tinh thần lấy tư duy của đời sống DN để tiếp cận. Mục tiêu lớn nhất của Luật là hài hòa hóa các quy định, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường.

Đưa tư duy đời sống doanh nghiệp vào luật ảnh 1
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

“Chúng ta cần xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh bằng tư duy đời sống của DN. Hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào nhìn nhận của chúng ta khi tiến hành sửa đổi, bổ sung và mạnh dạn xóa bỏ những xung đột giữa các luật hiện hành”.

Chuyên đề