Đóng, mở thầu trong chào hàng cạnh tranh

(BĐT) - Một bạn đọc có thư gửi Báo Đấu thầu như sau: Ngày 20/3/2017, UBND xã X (Chủ đầu tư) có thông báo mời thầu gói thầu mua sắm tài sản cho UBND Xã theo hình thức chào hàng cạnh tranh...
Đóng, mở thầu trong chào hàng cạnh tranh

Thời gian cuối nhận hồ sơ đề xuất (HSĐX) là 9 giờ ngày 28/3/2017. Đến thời điểm này đã có 4 nhà thầu đến nộp HSĐX nhưng không biết vì lý do gì mà Chủ tịch UBND Xã không tiến hành mở thầu theo như lịch đã thông báo. Cho đến 14 giờ ngày 31/3/2017 (sau 3 ngày), Chủ tịch UBND Xã thông báo cho 4 nhà thầu đến để tiến hành mở thầu. 

Hỏi: Với cách làm trên, Chủ tịch UBND xã X có vi phạm Luật Đấu thầu không? Kết quả trúng thầu có được ghi nhận không? 4 nhà thầu có phải là đã có dấu hiệu thông thầu không?

Trả lời: Trường hợp bạn đọc hỏi trên đây không nói rõ gói thầu áp dụng chào hàng cạnh tranh thông thường hay rút gọn. Do đó, có 2 khả năng xảy ra như sau:

Nếu là chào hàng cạnh tranh thông thường thì áp dụng theo quy định về quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường tại Điểm d Khoản 2 Điều 58 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Cụ thể: “Ngay sau thời điểm đóng thầu, bên mời thầu tiến hành mở các HSĐX và lập Biên bản mở thầu...”, do vậy bên mời thầu phải tiến hành mở thầu ngay sau khi đóng thầu.

Nếu là chào hàng cạnh tranh rút gọn thì theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 59 Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Cụ thể: “Ngay sau khi kết thúc thời hạn nộp báo giá, bên mời thầu lập văn bản tiếp nhận các báo giá được nộp trước thời điểm đóng thầu...”.

Bên mời thầu cần rút kinh nghiệm trong việc áp dụng quy định về mở thầu nêu trên.

Với các thông tin bạn đọc nêu trên đây, chưa có dấu hiệu để kết luận 4 nhà thầu tham dự gói thầu nêu trên thông thầu.

Điều 17 Luật Đấu thầu 2013 quy định về các trường hợp hủy thầu gồm: (1) Tất cả hồ sơ dự thầu, HSĐX không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC). (2) Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong HSMT, HSYC. (3) HSMT, HSYC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án. (4) Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Như vậy, theo quy định tại Điều 17 Luật Đấu thầu 2013 thì tình huống bạn đọc hỏi không nằm trong các trường hợp hủy thầu.

Chuyên đề