Doanh nghiệp lớn "né" trách nhiệm bồi thường: Rủi ro suy giảm lòng tin thương hiệu

(BĐT) - Khi nhân viên của một công ty xác lập một giao dịch với khách hàng, trường hợp có thiệt hại xảy ra với khách hàng, công ty hay nhân viên của công ty phải chịu trách nhiệm?  Thực tế cho thấy luôn có sự tranh cãi gay gắt về trách nhiệm bồi thường cho khách hàng và trong nhiều trường hợp đã gây ra những hậu quả khôn lường cho doanh nghiệp. 
Công ty Bảo hiểm Prudential bị cho là có nhiều sai phạm trong quá trình quản lý, giám sát đại lý. Ảnh Internet
Công ty Bảo hiểm Prudential bị cho là có nhiều sai phạm trong quá trình quản lý, giám sát đại lý. Ảnh Internet

Lợi dụng thương hiệu

Vụ việc Bùi Thị Thu Hằng lợi dụng vị trí đại lý chính thức của Prudential lừa đảo khoảng 228 tỷ đồng của khoảng 60 khách hàng gây sốc cho không ít người mua bảo hiểm. Các cơ quan tiến hành tố tụng xác định Bùi Thị Thu Hằng đã lừa đảo khách hàng, sử dụng hợp đồng, hồ sơ chứng từ liên quan giả và phải có nghĩa vụ bồi thường cho bị hại. Quan điểm này của cơ quan tiến hành tố tụng không được bị hại - khách hàng của Prudential - đồng tình. Nhiều người bị hại cho rằng, vì tin tưởng vào thương hiệu Prudential, vì Bùi Thị Thu Hằng là đại lý của Prudential nên mới ký hợp đồng mua bảo hiểm. Ngoài ra, trong số những phiếu thu khách hàng nhận được từ Bùi Thị Thu Hằng phát ra có một số phiếu thu là thật.

Vừa qua, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành quyết định kháng nghị 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Tòa Tối cao cho rằng, các tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện Công ty Bảo hiểm Prudential có nhiều sai phạm trong quá trình quản lý, giám sát đại lý. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định trường hợp đại lý vi phạm hợp đồng gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm thì công ty bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm. Đại lý bảo hiểm sẽ bồi hoàn cho công ty bảo hiểm sau. Quyết định kháng nghị cho rằng, Prudential cũng phải có trách nhiệm liên đới với đại lý Bùi Thị Thu Hằng trong việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Một trường hợp khác là vụ án xảy ra tại Tổng công ty Vàng Agribank - chi nhánh Hà Đông. Cựu Phó Giám đốc chi nhánh này đã chỉ đạo nhân viên lập hợp đồng giữ vàng cho khách hàng, lập phiếu nhập kho và giấy nhận giữ vàng để bản thân ký đóng dấu pháp nhân Chi nhánh Vàng Hà Đông. Nhưng toàn bộ số vàng khách hàng gửi vào, Nguyễn Tuấn Anh không nhập kho mà chiếm đoạt. Tổng số vàng Nguyễn Tuấn Anh chiếm đoạt là 1.471 chỉ vàng.

Vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm từ năm 2013 và phiên tòa kéo dài với phần tranh luận gay gắt về trách nhiệm bồi thường cho khách hàng thuộc về ai, bị cáo hay Tổng công ty Vàng Agribank?. Cuối cùng bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng.

Sau đó, các khách hàng của Agribank liên tiếp kháng cáo, cho rằng họ gửi tiền cho Tổng công ty Vàng Agribank chứ không phải gửi tiền cho bị cáo Nguyễn Tuấn Anh. Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự buộc Tổng công ty Vàng Agribank phải hoàn trả cho khách hàng 1.471 chỉ vàng.

Thế nhưng, cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm lại bị kháng nghị, con đường đòi quyền lợi của khách hàng lại kéo dài chưa biết đến bao giờ. Quyết định kháng nghị cho rằng Nguyễn Tuấn Anh có ý định lừa đảo khách hàng ngay từ đầu nên dùng thủ đoạn gian dối để nhiều cá nhân tin là thật và gửi vàng. Nguyễn Tuấn Anh biết rõ khi đó gửi vàng phải có niêm phong, phải mất phí và hoàn toàn không có lãi. Nhưng anh ta lại cố ý nói với khách hàng là gửi vàng có lãi suất nội bộ và tiếp đón tại phòng làm việc riêng. Hồ sơ gửi giữ cũng được lập trái quy định, không đưa vào sổ sách, không đưa vào kho. Bản kháng nghị cho rằng, Nguyễn Tuấn Anh lừa đảo chứ không phải lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Nói chung, trước số thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, doanh nghiệp có tâm lý cố né tránh trách nhiệm dân sự và đẩy nghĩa vụ bồi thường về phía bị cáo. 
Bộ luật Dân sự 2005 cũng như Bộ luật Dân sự 2015 mới đây đều quy định nguyên tắc cơ bản là pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự đối với giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định thêm, pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình nhưng không phải chịu trách nhiệm thay cho nhân viên của mình với các giao dịch mà họ thực hiện không nhân danh pháp nhân. Ngược lại, nhân viên công ty cũng không phải chịu trách nhiệm đối với các giao dịch do công ty xác lập, thực hiện.Nhìn chung, nguyên tắc cơ bản là khi giao dịch được thực hiện dưới danh nghĩa pháp nhân thì pháp nhân phải có nghĩa vụ đối với khách hàng.Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ án hình sự xảy ra gần đây cho thấyluôn có sự tranh cãi gay gắt về trách nhiệm bồi thường cho khách hàng, cho bị hại.

Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng,có một nguyên tắc cơ bản là khi khách hàng giao dịch với pháp nhân, có hợp đồng, có con dấu thật thì pháp nhân phải có nghĩa vụ đối với hợp đồng đó. Tuy nhiên, tùy từng vụ việc lại có tình tiết riêng biệt và phải căn cứ vào tình tiết cụ thể để xem xét trách nhiệm pháp nhân hay cá nhân.

“Nói chung, trước số thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, doanh nghiệp có tâm lý cố né tránh trách nhiệm dân sự và đẩy nghĩa vụ bồi thường về phía bị cáo. Việc này tuy vãn hồi được số tiền nhưng lại đánh mất uy tín và từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu. Tân Hiệp Phát là một ví dụ cho thấy khách hàng mất niềm tin thì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng ra sao” - Luật sư Vũ Ngọc Chi bình luận.

Chuyên đề