Đề xuất tổ chức, hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Trong đó, Bộ đề xuất quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) có Giám đốc, Phó Giám đốc, Trợ giúp viên pháp lý, viên chức và người lao động khác. Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm phải là Trợ giúp viên pháp lý.

Giám đốc Trung tâm, Phó Giám đốc Trung tâm do Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm và là người đại diện theo pháp luật của Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Tư pháp và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm. Phó Giám đốc Trung tâm là người giúp việc Giám đốc Trung tâm, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Trung tâm phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về kết quả công tác được giao.

Trung tâm có các bộ phận chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Trung tâm

Theo dự thảo, trợ giúp viên pháp lý có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được đề nghị bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm: Có ít nhất 3 năm là Trợ giúp viên pháp lý hoặc ít nhất 5 năm làm công tác pháp luật có liên quan tới trợ giúp pháp lý; có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Dự thảo nêu rõ, Giám đốc Trung tâm bị miễn nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1- Không còn đủ tiêu chuẩn quy định; 2- Chuyển làm công tác khác hoặc nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động; 3- Vì lý do sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do chính đáng khác mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành công việc được giao.

Giám đốc Trung tâm bị cách chức khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: 1- Có một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý mà xét thấy không còn đủ điều kiện để đảm nhiệm chức vụ; 2- Vi phạm nghiêm trọng quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; 3- Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức theo quy định của pháp luật về công chức.

Số lượng người làm việc, cơ sở vật chất của Trung tâm

Theo dự thảo, căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và yêu cầu của công tác trợ giúp pháp lý theo đề xuất của Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng người làm việc của Trung tâm và bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Trung tâm.

Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động của Trung tâm thực hiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trung tâm được sử dụng kinh phí nghiệp vụ để phục vụ việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý và các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý. Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm, Trung tâm lập dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động gửi Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động của Trung tâm được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Chuyên đề