Đề xuất phạm vi bảo vệ đường sắt

(BĐT) - Tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất quy định về phạm vi bảo vệ đường sắt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, phạm vi bảo vệ đường sắt là giới hạn được xác định bởi khoảng không, vùng đất, vùng nước xung quanh liền kề với đường sắt để quản lý, bảo vệ, ngăn ngừa những hành vi xâm phạm đến ổn định công trình đường sắt và đảm bảo an toàn cho công trình đường sắt.

Phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng không nhỏ hơn trị số sau: 1- Đối với đường sắt khổ 1000 mm là 5,3 m; 2- Đối với đường sắt khổ 1435 mm là 6,55 m khi không có công trình vượt qua phía trên; 7,7 m đối với đường sắt tốc độ cao khi có công trình vượt qua phía trên; 3- Đối với tuyến đường sắt đô thị là 6,3 m áp dụng phương thức lấy điện trên cao; 4,3 m đối với tuyến đường sắt đô thị áp dụng phương thức lấy điện từ ray thứ ba.

Dự thảo nêu rõ, đối với các tuyến đường sắt hiện đang khai thác, trường hợp phạm vi bảo vệ không đảm bảo quy định tại Điểm 1-2 thì khi cải tạo, nâng cấp công trình vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt, chủ đầu tư dự án công trình được cải tạo, nâng cấp phải tuân thủ đúng quy định. Trường hợp chưa thể khắc phục được, chủ đầu tư dự án công trình phải tính toán, đảm bảo ổn định, an toàn công trình đường sắt và an toàn giao thông, đồng thời phải được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.

Phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt ngoài việc tuân thủ các quy định trên còn phải tuân thủ quy định về khoảng cách giữa đường sắt với đường tải điện đi ngang qua phía trên đường sắt được thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực,bảo đảm an toàn khi dây tải điện bị đứt và phải có sự thoả thuận với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.

Bên cạnh đó, phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt có nền đường không đào, không đắp được xác định như sau: Tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra không nhỏ hơn: 6 m đối với đường sắt khổ 1.000 mm; 7 m đối với đường sắt thông thường khổ 1.435 mm; 7,5 m đối với đường sắt tốc độ cao; tính từ tim đường ngoài cùng trở ra hai bên, không nhỏ hơn 6,1 m đối với đường sắt đô thị.

Theo dự thảo, phạm vi dải đất bảo vệ hai bên đường sắt được tính từ chân nền đường đắp hoặc từ mép đỉnh nền đường đào đối với nền đường không có rãnh thoát nước. Trường hợp nền đường có rãnh thoát nước hoặc có xây dựng công trình phòng hộ, gia cố thì phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt được tính từ mép ngoài của rãnh thoát nước, mép ngoài của công trình phòng hộ, gia cố trở ra tương ứng. Phạm vi này không nhỏ hơn trị số sau: 3 m đối với đường sắt đô thị; đối với đường sắt còn lại: 5 m đối với nền đường không có rãnh thoát nước, không có công trình phòng hộ, gia cố; 3 m đối với nền đường có rãnh thoát nước, hoặc có công trình phòng hộ, gia cố.

Chuyên đề