Đề xuất đơn giản hóa thủ tục cấp phép công trình

(BĐT) - Tại văn bản rà soát các quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, tài nguyên và môi trường gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mới đây, Bộ Tư pháp có nhiều đề xuất liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng, quy trình cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng…
Quy trình cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 102 Luật Xây dựng rất phức tạp, khó hiểu. Ảnh: Lê Tiên
Quy trình cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 102 Luật Xây dựng rất phức tạp, khó hiểu. Ảnh: Lê Tiên

Bổ sung 3 trường hợp miễn giấy phép xây dựng

Theo Bộ Tư pháp, các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh đang gây vướng mắc, bất cập trong thực tiễn. Và theo kiến nghị của Bộ Tư pháp, cần bổ sung 3 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng vào Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.

Thứ nhất là công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định đầu tư.

Thứ hai là công trình xây dựng thuộc dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt và đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công.

Thứ ba là công trình xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt dưới 20 m2; biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 20 m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn; bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt dưới 40 m2.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đề nghị đơn giản hóa điều kiện cấp giấy phép xây dựng quy định tại Khoản 2 Điều 91, Khoản 2 Điều 94 của Luật Xây dựng theo hướng không yêu cầu phải có điều kiện “phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt” khi cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng đối với công trình quảng cáo tại Khoản 6 Điều 95 Luật Xây dựng cần được đơn giản hóa theo hướng bỏ tài liệu “bản sao giấy phép hoặc văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quảng cáo” để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quảng cáo.

Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, quy trình cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 102 Luật Xây dựng rất phức tạp, khó hiểu, gây khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư trong quá trình nộp hồ sơ và cơ quan cấp phép trong việc tiếp nhận hồ sơ và hồ sơ bổ sung các lần tiếp theo.  

Lồng ghép các thủ tục đầu tư

Một trong những nội dung quan trọng mà Bộ Tư pháp nêu tại văn bản rà soát các quy định pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, tài nguyên và môi trường mới đây là đề nghị sửa Điều 24, Điều 25 của Luật Bảo vệ môi trường theo hướng, đối với các dự án đầu tư xây dựng thì quy định lồng ghép thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế xây dựng.

Theo đó, đối với dự án quan trọng quốc gia thì thủ tục thẩm định ĐTM được thực hiện lồng ghép với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Đối với dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu thiết kế công nghệ thì thủ tục thẩm định ĐTM được thực hiện lồng ghép với thủ tục thẩm định dự án/thiết kế cơ sở. Đối với dự án đầu tư xây dựng còn lại thì thủ tục thẩm định ĐTM được thực hiện lồng ghép với thủ tục thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công. Bộ Tư pháp cũng đề nghị quy định tương thích thời gian thẩm định ĐTM với thời gian quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng.

Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường quy định: Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư. Bộ Tư pháp cho rằng, nội dung này chưa thống nhất với các Điều 33, 34, 35 Luật Đầu tư, trong đó quy định hồ sơ dự án đề xuất chủ trương đầu tư không yêu cầu phải có quyết định phê duyệt ĐTM. Luật Đầu tư chưa có quy định cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt ĐTM được thực hiện ở giai đoạn nào của dự án (giai đoạn đề xuất chủ trương đầu tư, giai đoạn lập dự án, giai đoạn thực hiện dự án). Chính vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các nội dung trên để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản.

Chuyên đề