Đề nghị truy tố nguyên Tổng giám đốc Navibank

(BĐT) - Nguyên Tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 
Navibank đã bị thiệt hại 200 tỷ đồng khi thông qua nhân viên gửi tiền vào VietinBank để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Ảnh: Nhã Chi
Navibank đã bị thiệt hại 200 tỷ đồng khi thông qua nhân viên gửi tiền vào VietinBank để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Ảnh: Nhã Chi

Ông Lê Quang Trí đã chủ trì cuộc họp, thống nhất chủ trương thông qua các nhân viên để gửi tiền vào VietinBank để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, vượt trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước. Hậu quả là Navibank đã bị thiệt hại 200 tỷ đồng.

Vì hành vi này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố ông Lê Quang Trí tội Cố ý làm trái. Cùng bị đề nghị truy tố còn có 3 Phó Tổng giám đốc Navibank: ông Cao Kim Sơn Cương, ông Nguyễn Giang Nam, ông Nguyễn Hồng Sơn và 6 bị can nguyên là trưởng, lãnh đạo các phòng, ban của Navibank.

Được biết, vụ án này có liên quan đến vụ án Huyền Như giai đoạn 2. Theo đó, năm 2011, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank - Chi nhánh TP.HCM; Võ Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè về một số hành vi có dấu hiệu phạm tội.

Quá trình điều tra giai đoạn 1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 23 bị can về 6 tội danh trong đó Huyền Như đã lừa đảo 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân với tổng số tiền hơn 3.900 tỷ đồng. Tháng 1/2014, Tòa án nhân dân TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên bố Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên phạt tù chung thân.

Một năm sau, phiên tòa phúc thẩm được mở. Bản án phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm và hủy một số nội dung yêu cầu điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng trên tài khoản tiền gửi của 5 công ty: Hưng Yên, An Lộc, Bảo hiểm Toàn Cầu, Chứng khoán Phương Đông, Chứng khoán Sài Gòn Bank (gọi là vụ án Huyền Như giai đoạn 2).

Sau khi điều tra lại, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Huyền Như và 11 bị can khác theo hai tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái. Tuy nhiên, Tòa án nhân TP.HCM đã ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bổ sung 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Navibank về tội Cố ý làm trái. Tháng 8/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định tách hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước của 10 bị can này thành vụ án độc lập để truy tố xét xử.

Kết quả điều tra đến nay xác định, tháng 4/2011, sau khi thỏa thuận với Võ Anh Tuấn và Huỳnh Thị Huyền Như, Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng nguồn vốn Navibank đã báo cáo vấn đề gửi tiền vào VietinBank với Hội đồng Alco Navibank (Hội đồng quản lý nợ - có).

Tham dự buổi làm việc này có Lê Quang Trí, nguyên Tổng giám đốc Navibank; ông Cao Kim Sơn Cương, ông Nguyễn Giang Nam, ông Nguyễn Hồng Sơn, đều là Phó Tổng giám đốc Navinbank và một số cán bộ lãnh đạo khác.

Cuộc họp đã thống nhất chủ trương gửi tiền vào VietinBank. Theo đúng quy định thì Navibank phải gửi tiền thông qua thị trường liên ngân hàng nhưng gửi liên ngân hàng thì lãi suất thấp. Trong trường hợp thiếu thanh khoản, cần rút tiền về thì không được ưu tiên như gửi tiết kiệm.

Vì vậy, Hội đồng Alco Navibank thống nhất chọn một số nhân viên đứng tên gửi tiết kiệm tại VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè. Navibank sẽ cho các nhân viên này vay tiền, sau đó họ đem tiền đi gửi, các sổ tiết kiệm gửi tiền ở VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay tại Navibank. Lãi suất cho vay bằng với lãi suất gửi tiết kiệm.

Có 14 nhân viên đã ký 47 hợp đồng vay tiền Navibank với tổng số tiền 1.543 tỷ đồng. Sau đó 14 cá nhân này làm thủ tục gửi tiền với lãi suất từ 16,5 - 22,5%/năm.

Sau này, VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè đã thanh toán 1.043 tỷ đồng. Còn lại 500 tỷ đồng chưa đến hạn thanh toán được chuyển sang gửi tại VietinBank - Chi nhánh TP.HCM, nơi Huyền Như làm việc. Có 300 tỷ đồng đã được tất toán, còn 200 tỷ đồng bị Huyền Như rút ra sử dụng dẫn đến việc Navibank bị thiệt hại. Theo cơ quan điều tra, tổng số tiền lãi Navibank đã nhận là 75,7 tỷ đồng, trong đó có 24,3 tỷ đồng lãi chênh lệch ngoài hợp đồng.

Cơ quan điều tra đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố 10 cán bộ Navibank trong đó có Lê Quang Trí, Đoàn Đăng Luật, Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Chuyên đề